|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia lý giải vì sao VN-Index đi ngang thời gian gần đây, 'phím hàng' ngành dẫn dắt đà tăng năm 2022

07:26 | 22/02/2022
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, tốc độ luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm ngành trong năm 2022 thậm chí còn nhanh hơn so với năm 2021, chu kỳ tăng giá có thể chỉ kéo dài một tuần thay vì 1 - 2 tháng như trước đây.

Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục bứt phá và thiết lập những đỉnh cao mới. Cùng với đó, NĐT chứng kiến dòng tiền sôi động, liên tục đổ vào thị trường và luân chuyển giữa các nhóm ngành. 

Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, ngay cả những nhóm ngành mang tính dẫn dắt trước đây như ngân hàng, thép, bất động sản, dầu khí… dù tăng nhưng chưa thấy sự bứt phá trong khi giá cổ phiếu đã giảm về vùng hợp lý. 

Nhiều chuyên gia và công ty chứng khoán đã nhận định năm 2022, thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên lựa chọn đầu tư sẽ khó khăn hơn so với năm 2021. Dòng tiền sẽ chọn lọc vào doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai thay vì đi theo nhóm ngành chung như trước đây.

Trong khi đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc luân chuyển giữa các nhóm ngành sẽ tiếp tục diễn ra nhưng với vòng quay ngắn hơn. Ngoài những nhóm trụ cột dẫn dắt đà tăng như năm ngoái thì cũng sẽ có những ngành hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế hoặc nhóm có sự bứt phá hậu COVID-19.  

Chu kỳ tăng có thể chỉ kéo dài một tuần

Trong chương trình Talkshow Phố Tài chính do VTV tổ chức phát sóng chiều ngày 21/2, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) đã lý giải quá trình đi ngang của thị trường trong thời gian gần đây.

Chuyên gia BSC cho rằng sau giai đoạn tăng trưởng mạnh, đây là nhịp điều chỉnh cần thiết sau đại dịch nhằm tạo nền tảng để những yếu tố cơ bản bắt kịp tốc độ của thị trường.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) cũng cho rằng thị trường cần thêm thời gian tích luỹ để tăng trưởng của doanh nghiệp hấp thụ vào tốc độ tăng giá cổ phiếu. Minh chứng rõ nhất là số lượng tài khoản mở mới trong năm 2022 đã hạ nhiệt, điều này cho thấy dòng tiền bổ sung vào thị trường chưa nhiều.

"Hiện định giá của thị trường P/E chỉ đạt 17 lần, không quá cao so với trung bình 5 năm gần nhất. Sau giai đoạn tăng trưởng kéo dài, NĐT trở nên thận trọng là điều hoàn toàn dễ hiểu", ông Long nhận định. 

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng NĐT đang quá e ngại với đà tăng nóng thời gian qua. Theo ước tính của PSI, tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE trong năm 2022 ước tính đạt 15 - 24%, theo đó VN-Index dao động trong khoảng 1.350 – 1.600 điểm nên sẽ không có quá nhiều lo ngại. 

Giải đáp thắc mắc về nguyên nhân thị trường thiếu dòng dẫn dắt, ngay cả những nhóm ngành trụ cột như "bank, chứng, thép" không bứt phá, ông Long nhấn mạnh đây là đặc thù của thị trường vì dòng tiền cần thời gian để tìm kiếm cơ hội mới. 

Dòng tiền xoay chuyển nhanh và khó đoán định, chuyên gia gợi những ngành dẫn dắt đà tăng thị trường năm 2022 - Ảnh 1.

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán BIDV (BSC).

"Hiện NĐT không chỉ quan tâm đến yếu tố trong nước mà còn cả thông tin nước ngoài. Các ngân hàng trung ương, đặc biệt tại các quốc gia lớn, đang chuẩn bị triển khai chính sách tiền tệ. Mặt bằng lãi suất sẽ tăng cao, theo đó ảnh hưởng định giá của các thị trường tài chính. 

Sau khi Fed công bố lộ trình tăng lãi suất rõ ràng, dòng tiền sẽ mạnh mẽ tìm kiếm cơ hội mới trên thị trường. Tốc độ luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm ngành trong năm 2022 thậm chí còn nhanh hơn so với năm 2021".

Cùng quan điểm, ông Tuấn cho rằng nếu như năm 2021, mỗi ngành có thể tăng 1 – 2 tháng thì năm 2022 có thể chỉ kéo dài một tuần. Thời điểm đầu năm khi kết quả kinh doanh chưa phản ánh vào giá cổ phiếu khiến mặt bằng giá tương đối cao, dòng tiền không đủ tự tin để tìm đến một nhóm ngành cụ thể. 

Sang đến quý II, khi kinh tế phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, mọi thứ được phản ánh rõ và dòng tiền sẽ tự tin ở lại một nhóm ngành lâu hơn.

Nhóm ngành nào sẽ dẫn dắt?

Với xu hướng khó đoán định của dòng tiền, Giám đốc PSI điểm tên một số nhóm ngành sẽ dẫn dắt đà tăng của thị trường trong năm 2022. 

Dòng tiền xoay chuyển nhanh và khó đoán định, chuyên gia gợi những ngành dẫn dắt đà tăng thị trường năm 2022 - Ảnh 2.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI).

Ngành đầu tiên mà ông Tuấn đề cập là dầu khí. Việc giá dầu tăng cao đã đủ mức để các đơn vị sản xuất tái khởi động lại các dự án khoan thăm dò, kích hoạt lại toàn bộ chuỗi sản xuất của ngành. 

Bên cạnh đó, những nhóm ngành hưởng lợi từ quá trình phục hồi sau COVID-19 như hàng không, vận tải, bán lẻ, điện... cũng nên được NĐT lưu tâm.

Nhận định riêng về triển vọng cổ phiếu hàng không và du lịch, ông Tuấn cho rằng đây là những ngành gắn liền với nhu cầu thiết yếu của người dân như đi lại, giao thương, giải trí. Vì vậy, hàng không và du lịch hoàn toàn có thể phục hồi và tăng trưởng khi nhà nước mở cửa trở lại. 

Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh trong năm 2020 và 2021, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành này không giảm quá nhiều dù kết quả kinh doanh thua lỗ, do đó NĐT không nên kỳ vọng cao về sức bật của nhóm này.

Nhóm ngành thứ ba sẽ hưởng lợi từ quá trình cải tổ nền kinh tế, chuyển đổi công nghệ sau đại dịch gồm công nghệ thông tin, công nghệ, viễn thông. Cuối cùng là ngành xây dựng, cơ sở hạ tầng, bất động sản KCN sẽ hưởng lợi trực tiếp từ đầu tư công. 

Trong khi đó, ông Trần Thăng Long lại cho rằng để dẫn dắt được thị trường phải cần những nhóm ngành vốn hoá lớn như ngân hàng. Theo ước tính của BSC, P/B của các cổ phiếu ngân hàng dự kiến đạt 1,5 lần trong năm nay, mức hợp lý kể cả trong dài hạn. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng và trích lập dự phòng toàn ngành đang ở mức ổn định, do đó BSC kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành sẽ trên 30%.

Bảo Ngọc