Chuyên gia lý giải vì sao giá xăng giảm nhưng các mặt hàng vẫn chưa giảm tương ứng
Tối 10/7, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu cùng thời điểm Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ 0h ngày 11/7.
Theo đó, xăng E5 RON 92 giảm 3.103 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 3.088 đồng/lít. Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 27.780 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.670 đồng/lít.
Giá bán đối với mặt hàng dầu cũng giảm mạnh ở kỳ điều hành này, dầu diesel giảm 3.022 đồng/lít còn 26.590 đồng/lít, dầu hỏa còn 26.340 đồng/lít.
Như vậy, đây là lần giảm thứ hai sau 7 lần tăng liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay của giá xăng, dầu.
Trả lời TTXVN về việc giá xăng dầu giảm, sẽ tác động đến chỉ số CPI như thế nào trong thời gian tới, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết theo tính toán, mức giảm giá xăng dầu ngày 11/7 có tác động tốt tới giảm áp lực lạm phát.
Nếu trong tháng này, giá xăng dầu không biến động; việc giảm giá ngày 11/7/2022 sẽ làm giá xăng dầu giảm 4,31% và CPI giảm 0,16 điểm phần trăm so với tháng trước.
Tuy vậy tác động đến giảm chi phí, thúc đẩy sản xuất và kiềm chế lạm phát không nhiều, vì giá xăng dầu vẫn ở mức cao; đồng thời, giá sau khi giảm sẽ giữ ổn định, tiếp tục giảm trong thời gian tới hay lại biến động tăng lên.
Chuyên gia cũng giải thích thêm vì sao giá xăng giảm nhưng các mặt hàng vẫn chưa giảm tương ứng.
"Thực trạng đối với nền kinh tế Việt Nam đó là khi giá xăng dầu tăng thì giá các mặt hàng thiết yếu, giá cước vận tải sẽ tăng. Thế nhưng khi giá xăng dầu giảm thì các mặt hàng này lại không được điều chỉnh giảm theo tương ứng bởi vì cần có thời gian doanh nghiệp và các hộ kinh doanh điều chỉnh chi phí sản xuất, chi phí tiền lương.
Bên cạnh đó mạng lưới phân phối bán lẻ do hệ thống chợ truyền thống chiếm tỷ trọng chi phối chính, các tư thương và người buôn bán nhỏ vì lợi nhuận luôn chủ động và khẩn trương tăng giá bán hàng hoá, nhưng miễn cưỡng giảm giá bán những mặt hàng này", ông Nguyễn Bích Lâm nói.
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết thêm xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhiên liệu quan trọng, là chi phí đầu vào của hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, giảm giá mặt hàng này sẽ trực tiếp cắt giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp; đồng thời, góp phần làm giảm giá nguyên vật liệu đầu vào do giảm chi phí trong khâu vận chuyển, từ đó giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận.
Điều này đồng nghĩa với việc mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông nhấn mạnh giảm giá xăng dầu trực tiếp làm giảm mức lạm phát của nền kinh tế, giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho xăng dầu của người dân; giảm giá xăng dầu đồng nghĩa với làm giảm kỳ vọng lạm phát, giữ ổn định vĩ mô; thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, từ đó tiếp tục tạo thêm việc làm, tạo thêm thu nhập góp phần nâng cao mức sống dân cư, đặc biệt đối với người lao động.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% tiếp tục là một trong những nguyên nhân chính tác động làm CPI tăng cao.
Để hạ giá xăng dầu, góp phần kiềm chế lạm phát, Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn cũng vừa được thông qua và có hiệu lực từ 0h ngày 11/7.
Tại cuộc họp chiều 8/7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đề nghị Bộ Tài chính xử lý nhanh giải pháp giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT nếu còn dư địa, tránh tác động lớn đến CPI.
Ông cho rằng vừa qua, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tính toán giảm thuế bảo vệ môi trường. Phó Thủ tướng chỉ đạo nếu còn dư địa thì có thể đề xuất với cấp có thẩm quyền giảm thêm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt. Phải xử lý nhanh chính sách tài khóa này để kiểm soát vì xăng dầu tác động lớn đến CPI.