|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia gợi ý chính sách kích thích tổng cầu

06:00 | 06/01/2024
Chia sẻ
Nền kinh tế Việt Nam đang quay trở lại được trạng thái cân đối giữa một bên là tổng cầu hàng hóa, dịch vụ và một bên là khả năng cung ứng của nền kinh tế.

Container chứa hàng hóa tại Tân Cảng Cát Lái. (Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN).

Theo phân tích của các nhóm nghiên cứu và nhiều chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, cũng như nắm bắt xu hướng tăng trưởng tiềm năng vốn. Điều này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang quay trở lại được trạng thái cân đối giữa một bên là tổng cầu hàng hóa, dịch vụ và một bên là khả năng cung ứng của nền kinh tế.

Cụ thể, trong “Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP HCM: Kết quả 2023 và Dự báo 2024” (Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP HCM) do Đại học Kinh tế TP HCM (UEH) và Cục Thống kê TP HCM thực hiện và vừa công bố đã chỉ ra rằng, trung bình cả năm 2023 mức lạm phát cơ bản mặc dù vẫn ở dưới mức mục tiêu, nhưng đây vẫn là con số cao nhất trong một thập kỷ qua tại Việt Nam.

Nguyên nhân chính là do khả năng cung ứng của nền kinh tế Việt Nam phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu do đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị gây ra.

Tiến sĩ Hồ Hoàng Anh, Đại học Kinh tế TP HCM, đại diện nhóm nghiên cứu thực hiện Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP HCM cho biết, riêng GRDP theo giá so sánh của TP HCM đang dần tiệm cận GRDP tiềm năng. Thành quả này cũng minh chứng cho nền kinh tế TP HCM đang hồi phục một cách ổn định sau những giai đoạn khó khăn vừa qua.

Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nền kinh tế  TP HCM luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn mức trung bình cả nước và tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động đến từ khắp các tỉnh, thành. Một vài chỉ số có thể gián tiếp cho thấy tốc độ phục hồi của tổng cầu trên địa bàn thành phố như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cùng với doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải.

Ngoài ra, kết quả Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP HCM cho thấy, sự phục hồi của tổng cầu là tín hiệu thể hiện các chính sách của Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng trong thích nghi với sự thay đổi, tận dụng cơ hội mới của nền kinh tế thế giới đang đi đúng hướng, cũng như phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế năm 2024 của Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào triển vọng kinh tế của thế giới.

Đặc biệt, hầu hết tổ chức nghiên cứu lớn trên thế giới ở thời điểm hiện tại đều có chung một nhận định là năm 2024 kinh tế thế giới sẽ tiếp tục hồi phục một cách tiệm tiến và sẽ khó có một sự bức phá nào xảy ra vì nhiều lý do. Mặc dù chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực và được dự báo sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2024, rủi ro tắc nghẽn hay đứt gãy vẫn còn khá cao.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 ở mức 5,8%, đây là mức tăng trưởng khá cao so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6-6,5%.

Ở góc độ địa phương, các chuyên gia cho rằng, một số chính sách quan trọng mà chính quyền TP HCM cần chú ý nhiều hơn là hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp của thành phố tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường xuất khẩu sang những quốc gia ngoài Trung Quốc và Mỹ.

Đồng thời, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ giúp cho lĩnh vực xuất khẩu của Tp. Hồ Chí Minh giảm thiểu tính chu kỳ và tăng trưởng ổn định hơn.

Ngoài ra, TP HCM nên tiếp tục cải cách bộ máy quản lý hành chính theo hướng tinh giản thủ tục nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong việc đăng ký đầu tư, sản xuất và kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản...

Trong ngắn hạn, TP HCM có thể nghiên cứu phân loại, xếp hạng dự án bất động sản theo thứ tự ưu tiên và tập trung nguồn lực tháo gỡ cho dự án tiềm năng nhất để có thể tạo ra tác động nhanh nhất trong ngắn hạn.

Điều quan trọng là tất cả chính sách nhằm thúc đẩy tổng cầu trong ngắn hạn cần phải được đặt trong khuôn khổ của mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế trong trung hạn của TP HCM, gồm: phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ tài chính ngân hàng, quản lý và phát triển ổn định thị trường bất động sản để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người lao động và bổ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, TP HCM không nên "nóng vội" chạy theo mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 bằng mọi giá mà làm chậm lại tiến trình chuyển đổi mô hình kinh tế trong trung hạn.

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM chia sẻ, khi xác định mô hình tăng trưởng kinh tế là gì thì phải phát triển mô hình tín dụng kèm theo. Điển hình, mô hình tăng trưởng kinh tế tập trung kích thích tổng cầu thì mô hình tín dụng hướng đến tiêu dùng, còn mô hình tăng trưởng kinh tế tập trung bất động sản thì mô hình tín dụng hướng đến dự án tiềm năng...

Hơn thế, nguồn vốn đi vào bất cứ lĩnh vực nào đều có độ trễ nhất định, nên trong ngắn hạn kích thích tổng cầu rất quan trọng và là một lựa chọn tối ưu cho mô hình tăng trưởng kinh tế. Bởi thống kê, thị trường TP HCM không chỉ có hơn 10 triệu dân, mà còn là thị của nhiều tỉnh, thành và cả nước, cùng với đó là thị trường xuất khẩu toàn cầu.

Ở góc độ ngành, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đánh giá, năm 2023 đã đi qua với những diễn biến đầy bất ngờ đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, từ lạc quan đi ngược chiều gió đến những thách thức căng thẳng cực độ, tuy nhiên trên mặt bằng chung thì đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Năm 2024 với các yếu tố vĩ mô tương đối hỗ trợ như kinh tế toàn cầu trở nên ổn định hơn sẽ giúp kinh tế Việt Nam bước vào một thời cơ mới và dự kiến hồi phục tích cực với ước tính GDP tăng 6,2%.

Đối với PHS, dựa trên cơ sở chủ động đánh giá năng lực phát triển và điều kiện khách quan của thị trường đã xây dựng những kế hoạch phát triển đầu tư, kinh doanh cho năm 2024, với tổng doanh thu đạt 745,6 tỷ đồng, dự kiến mang về 132,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 100,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Đồng thời, định hướng hoạt động kinh doanh trong năm 2024, PHS chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cấp sản phẩm hiện tại và phát triển sản phẩm mới.

Một số chuyên gia phân tích, động lực tăng GDP năm 2024 sẽ đến từ tiêu dùng với những triển vọng về mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, cùng với kỳ vọng khách du lịch quốc tế tiếp tục tăng 30%, kéo theo tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng 12% trong năm 2024.

Bên cạnh đó, cả đầu tư tư nhân và đầu tư công đều sẽ có sự hồi phục đáng kể, nhất là đầu tư công, vì năm 2024 là giai đoạn cận kề của kế hoạch chi đầu tư công trung hạn 2021-2025 nên Chính phủ và các bộ, ngành sẽ phải tập trung thực hiện mục tiêu kế hoạch đề ra.

Mỹ Phương