Thị trường bất động sản 2024 tiếp tục chờ ngấm chính sách
Tại Diễn đàn thị trường bất động sản 2024 – Vượt qua thách thức do Hội Môi giới Bất động sản (VARs) tổ chức ngày 5/1, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong “hệ sinh thái” kinh tế và liên quan trực tiếp đến nhiều ngành kinh tế.
Tuy nhiên, trong năm 2022 và đặc biệt là từ nửa cuối năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do bối cảnh chung của tình hình kinh tế, bất động sản của thế giới cũng như nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi phát triển và một số tồn tại, hạn chế kéo dài từ trước chưa thể khắc phục triệt để.
Theo đó, sức mua và thanh khoản kém, thiếu nguồn cung đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp trong khi thiếu nguồn cung nhà ở có giá phù hợp cho người thu nhập thấp đô thị.
Song song với đó doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng. Số lượng các dự án nhà ở thương mại được hoàn thành và chấp thuận mới đều giảm.
Ông Hải cho rằng, tình hình thị trường bất động sản như trên xuất phát từ 4 nguyên nhân, gồm: Thể chế, trái phiếu, nguồn vốn, tín dụng và thực thi chính sách. Trong đó liên quan đến thể chế, các vướng mắc pháp lý chiếm khoảng trên 50%.
Nhận thấy vấn đề này, từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các Bộ, ngành cũng đã làm việc với quyết tâm cao nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, chính sách đối với các hoạt động kiểm soát, điều chỉnh, hỗ trợ thị trường bất động sản để đảm bảo tính đồng bộ, liên thông của hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, quy hoạch, nhà ở, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tín dụng và giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Vừa qua Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Hiện nay chính phủ đang trình Quốc hội xem xét để thông qua tại kỳ họp Quốc hội thời gian tới là dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi).
"Những chính sách đặc biệt về nhà ở xã hội, những chính sách về phát triển nhà ở thương mại đã được cập nhật vào Luật Đất đai (sửa đổi). Hy vọng các đề xuất sẽ được Quốc hội thông qua, qua đó sẽ tháo gỡ cơ bản khó khăn cho thị trường bất động sản", ông Hải nói.
Ngoài ra, theo đại diện Bộ Xây dựng, liên quan đất đai có Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 tháo gỡ cho việc cấp sổ hồng cho các loại hình bất động sản căn hộ nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp nghỉ dưỡng...; Thông tư số 2/2023/TT-BTNMT Bộ Tài nguyên về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 quy định về hồ sơ địa chính.
Liên quan đến trái phiếu, tín dụng có Nghị định số 08/2023/NĐ-CP tháo gỡ cho việc chào bản, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; Thông tư số 02/2023 do NHNN ban hành về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; Thông tư số 03/2023 do NHNN ban hành về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp; Thông tư số 10/2023/TT-NHNN Ngân hàng NN tạo điều kiện khách hàng tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn.
Liên quan hoạt động xây dựng có Nghị định số 35/2023/NĐ-CP tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ thực tiễn trong lúc chờ các Luật mới có hiệu lực. Về quy hoạch có Nghị định số 58/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch...
Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã gấp rút rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Vị này cho biết, đến nay Tổ công tác đã nhận được 138 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 191 dự án bất động sản tại 23 tỉnh, thành phố. Tổ Công tác đã chuyển kiến nghị cho các địa phương, yêu cầu rà soát, kiểm tra và xử lý. Tuy nhiên, các địa phương khi tiếp nhận yêu cầu cũng tích cực nhưng kết quả thực hiện vẫn còn khiêm tốn.
Đối với Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, đến nay trên địa bàn cả nước đã có 470 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành và đang triển khai giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, đã hoàn thành 70 dự án, đang khởi công 127 dự án, 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
"Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và có thể nhận định quý I/2023 là vùng đáy của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, về tổng thể thị trường bất động sản hiện nay vẫn còn khó khăn, nhưng mức độ khó khăn có xu thế giảm dần, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, thể hiện rất rõ nét tại thị trường bất động sản TP HCM.
Để các chính sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thu được hiệu quả như mong đợi cũng cần có thời gian, sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành. Cùng với đó là sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, coi đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết", ông Hải nhấn mạnh.