|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuyên gia: Fed đang mù mờ về bức tranh lạm phát của Mỹ

20:44 | 22/05/2024
Chia sẻ
Giám đốc của một hãng quản lý tài sản cho rằng các quan chức Fed đang mù mịt về bức tranh lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

 

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images).

Ông Julian Howard, Giám đốc cấp cao tại công ty quản lý tài sản GAM, cho rằng các quan chức Fed dường như “không biết” chuyện gì đang xảy ra với bức tranh lạm phát ở Mỹ.

Trong vài tuần gần đây, các nhà hoạch định chính sách đã kêu gọi thị trường tài chính kiên nhẫn về kế hoạch cắt giảm lãi suất. Họ cho biết giá cả hạ nhiệt ít hơn dự kiến và áp lực lạm phát vẫn quá dai dẳng, khiến Fed khó nới lỏng tiền tệ.

Chia sẻ trên một chương trình của CNBC vào ngày 22/5, ông Howard nhấn mạnh: “Tôi nghĩ thông điệp mà các quan chức Fed đang phát đi cho thấy họ không biết chuyện gì đang xảy ra”.

Trước đó một ngày, Thống đốc Fed Christopher Waller nói ông cần nhìn thấy thêm bằng chứng chứng tỏ lạm phát đang giảm bớt, sau đó mới có thể ủng hộ việc hạ lãi suất chính sách.

Tại sự kiện của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, ông Waller bày tỏ: “Trong trường hợp thị trường lao động không yếu đi đáng kể, tôi cần thấy dữ liệu lạm phát tích cực hơn trong vài tháng trước khi có thể cảm thấy thoải mái với việc nới lỏng chính sách”.

Các đồng nghiệp khác của ông Waller cũng đưa ra bình luận tương tự, bao gồm Chủ tịch Fed chi nhánh Boston là bà Susan Collins.

“Tôi nghĩ dữ liệu đang rất lẫn lộn và [đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%] sẽ mất nhiều thời gian hơn so với dự đoán ban đầu của tôi. Chúng ta đang ở giai đoạn mà sự kiên nhẫn đóng vai trò rất quan trọng”, bà Collins phát biểu tại một hội nghị do Fed chi nhánh Atlanta tổ chức.

 

Vấn đề về uy tín

Dù kêu gọi các nhà đầu tư kiên nhẫn, các quan chức Fed vẫn chưa đưa ra một thông điệp rõ ràng về kỳ vọng của chính họ hay giải thích lý do tại sao lạm phát vẫn tăng cao, ông Howard lưu ý.

“Lạm phát vốn rất khó dự đoán và tôi không nghĩ họ thực sự biết chuyện gì đang xảy ra”, Giám đốc của GAM tiếp tục. “Thành thật mà nói, Fed đang có vấn đề về uy tín”.

Theo vị giám đốc, ban đầu các nhà hoạch định chính sách cho rằng lạm phát sẽ đi xuống khi Fed bắt đầu tăng lãi suất. “Và bây giờ, họ nghĩ lạm phát đang giảm nhưng không giảm đủ nhanh”, ông Howard cho hay.

Dữ liệu được công bố hồi đầu tháng 5 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu của tháng 4 giảm nhẹ so với con số 3,5% của tháng 3 và thấp hơn nhiều mức đỉnh 9,1% ghi nhận vào tháng 6/2022 - nhưng cũng vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% của Fed.

“Lạm phát bắt đầu giảm nhưng sau đó có vẻ bị kẹt lại ở mức 3,5%. Mọi người đang cố gắng tìm ra lý do để giải thích tại sao lạm phát khựng lại. Tôi nghĩ đây quả thực là một thách thức cho họ”, ông Howard nhận xét.

Vị giám đốc nói thêm rằng thị trường chứng khoán Mỹ dường như không quá lo lắng với số liệu lạm phát. Hơn nữa, các nhà đầu tư đã điều chỉnh dự báo về thời điểm và quy mô hạ lãi suất so với hồi đầu năm.

Theo ông, phản ứng nhẹ nhàng của thị trường có liên quan đến các cổ phiếu vốn hoá lớn. Các công ty này đang có lượng tiền mặt lớn, có thể đầu tư vào những tài sản tương đối ít rủi ro như tín phiếu kho bạc.

“Họ đã trở thành lá chắn cho thị trường nói chung. Nếu lãi suất đi xuống, doanh thu của các công ty này sẽ được hưởng lợi. Nếu lãi suất đi lên hoặc không giảm như kỳ vọng, họ cũng không hề hấn gì vì nhờ lượng tiền mặt lớn, họ có thể kiếm lợi nhuận khổng lồ từ các tài sảnits rủi ro”, ông Howard lập luận.

 

Khả Nhân