|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia Fed: Chính sách tiền tệ không đủ để chống lại cuộc suy thoái tiếp theo

10:31 | 27/01/2020
Chia sẻ
Tại Mỹ, thách thức lớn nhất mà các nhà kinh tế đang phải đối mặt là làm sao để ngăn cản nguy cơ suy thoái kinh tế đang rình rập các thị trường toàn cầu.
Chuyên gia Fed: Chính sách tiền tệ không đủ để chống lại cuộc suy thoái tiếp theo - Ảnh 1.

Ông Ben Bernanke - Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong khi kinh tế Mỹ tiếp tục kéo dài đà tăng trưởng, một số khu vực khác của thế giới lại đang chứng kiến đà tăng trưởng chậm lại và điều đáng lo ngại là các ngân hàng trung ương hiện vẫn chưa có đủ công cụ để chống lại một cuộc suy thoái tiếp theo.

Phản ứng của các ngân hàng trung ương trước và sau khủng hoảng tài chính thường là áp dụng các gói biện pháp nhằm cắt giảm lãi suất thông thường và đôi khi những gói biện pháp này sẽ đạt đến giới hạn của nó, chẳng hạn như chính sách mua trái phiếu (nới lỏng định lượng, hay QE) hoặc những lời hứa về các chính sách trong tương lai.

Cụ thể hơn, ngày nay trên thế giới, tại những nền kinh tế giàu có, lãi suất ngắn hạn được giữ ở mức gần bằng hoặc dưới 0. 

Điều này có nghĩa là ngân hàng trung ương sẽ không còn dư địa để cắt giảm lãi suất nhiều hơn nữa và điều này đã tước đi của họ chiếc đòn bẩy quan trọng trong trường hợp suy thoái kinh tế xảy ra.

Trong một bài phát biểu ngày 4/1, ông Ben Bernanke - Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - đã nói rằng những bài học trong quá khứ của thập kỷ trước cho thấy các biện pháp như QE và những đường hướng chính sách trong tương lai có thể cung cấp một sự kích thích kinh tế đáng kể, nếu tỷ lệ giảm lãi suất khoảng ba điểm phần trăm.

Điều đó có nghĩa là chừng nào ngân hàng trung ương còn có thể hạ từ 2 đến 3 điểm phần trăm lãi suất thì điều chỉnh chính sách tiền tệ vẫn sẽ là một lựa chọn tiềm năng, cung cấp ít nhất 50% số công lực mà Fed cần để chiến đấu lại với suy thoái kinh tế.

Kết quả là ông Bernanke đã kêu gọi một cuộc đại tu táo bạo hơn đối với những bộ công cụ về tiền tệ của các ngân hàng trung ương. 

Theo ông Bernanke, QE và những chính sách từ ngân hàng trung ương có thể coi là chất kích thích kinh tế hiệu quả, mặc dù việc đánh giá những tác động chính xác của chúng là khá khó khăn.

Mặc dù vậy, một số người cho rằng có vẻ như cựu Chủ tịch Fed đã quá lạc quan vì ba lý do. Đầu tiên, trong số các nền kinh tế lớn, chỉ Mỹ là có khả năng hiện thực hóa điều này, còn các nền kinh tế lớn khác như Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Nhật Bản, các khoản nợ có thời hạn 10 năm của họ thường mang lại mức lợi nhuận dưới 0.

Điều này cho thấy lãi suất ngắn hạn khó có "đất" tăng nhiều trong những năm 2020, có nghĩa là những chính sách như QE, vốn sẽ mang lại hiệu quả thông qua việc hạ lãi suất dài hạn, có thể sẽ không còn đất thực hiện khi lãi suất đã được hạ xuống mức 0 hoặc dưới 0. 

Hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở Eurozone hay Nhật Bản mà còn đang là mối quan ngại ở nhiều nền kinh tế khác. 

Thậm chí trong tuần này, Mark Carney, người đứng đầu Ngân hàng trung ương Anh (BoE), còn cảnh báo rằng kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với một bẫy thanh khoản, trong đó các chính sách tiền tệ sẽ mất đi sức mạnh vốn có.

Ông Bernanke thừa nhận rằng châu Âu và Nhật Bản sẽ cần sử dụng thêm các biện pháp kích thích tài khóa, thay vì chỉ có chính sách tiền tệ, để chống lại suy thoái. 

Tuy nhiên, ông cũng ngụ ý rằng một đợt chi tiêu công lớn hoặc cắt giảm thuế là cần thiết để giúp các ngân hàng trung ương lấy lại kiểm soát. 

Trên thực tế tại Nhật Bản, nhiều thập kỷ ghi nhận thâm hụt đã đẩy tỷ lệ nợ công của nước này lên gần 250% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi lãi suất không tăng nhiều.

Thứ hai, ngay cả tại nước Mỹ, nơi lãi suất được duy trì ở mức cao hơn, việc đáp ứng những tiêu chuẩn mà ông Bernanke đặt ra là khá phức tạp. Hiện nay, lãi suất ngắn hạn tại Mỹ đã giảm xuống mức 1,5-1,75%, nằm bên dưới vùng an toàn. 

Ông Bernanke cho rằng lãi suất cuối cùng sẽ ổn định ở mức cao hơn, song các nhà đầu tư lại tỏ ra bi quan bởi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ hiện nay chỉ là 1,8% và ngay cả lợi suất trong 30 năm cũng chỉ khoảng 2,3%.

Cuối cùng và quan trọng nhất, lãi suất đã và đang giảm trong dài hạn. Xu hướng này dường như đã xuất hiện từ đầu những năm 1980. 

Các quan chức Fed đã dành nhiều năm để hạ thấp ước tính của họ về điểm quay đầu của lãi suất và mặc dù không chắc chắn rằng những ước tính như vậy sẽ tiếp tục giảm, việc đưa ra những giả định khác không phải là điều dễ dàng.

Phương Nga