Chuyên gia Chứng khoán KIS: VN-Index có khả năng quay lại 1.200 điểm trong quý IV
Dòng tiền margin có dấu hiệu quay lại
Trao đổi với người viết, ông Hoàng Huy, Trưởng phòng phân tích Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, VN-Index đã điều chỉnh giảm hơn 25% sau khi xác lập đỉnh lịch sử mới tại 1.211 điểm vào đầu tháng 4/2018. Giá trị giao dịch trung bình phiên giảm còn 4.400 tỷ đồng trong quý II từ 6.000 tỷ đồng của quý I.
Ông Huy cho biết, VN-Index đang có mức P/E tương đương các chỉ số chứng khoán trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Nếu loại trừ VIC, Vinhomes thì VN-Index đang có mức P/E khoảng 14,3.
Trong quý III có khá ít thông tin hỗ trợ thị trường nên khó nhận thấy được sự bứt phá của VN-Index. Theo ông Huy, động lực tăng điểm chỉ đến từ các yếu tố đó là kết quả kinh doanh 6 tháng khả quan đặc biệt là ngành ngân hàng và bất động sản. Bên cạnh đó, dòng tiền margin có dấu hiệu quay lại, sẽ thúc đẩy VN-Index bứt phá vào cuối năm.
Yếu tố dữ trữ ngoại hối cũng là một động lực cho thị trường tăng điểm. Ông Huy cho biết tính tới tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đang nắm giữ lượng ngoại tệ kỷ lục 62 tỷ USD, tương ứng ba tháng nhập khẩu.
Việt Nam nhiều khả năng duy trì tình trạng xuất siêu nhờ các mặt hàng chủ lực như điện thoại, dệt may và giày dép. Ngoài ra, Nghị định 32-CP mở thông cánh cửa bán vốn của doanh nghiệp nhà nước, thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII).
Về yếu tố quốc tế tác động thị trường chứng khoán, ông Huy cho rằng, việc "ăn miếng trả miếng" của Trung Quốc và Mỹ có nhiều khả năng tiếp diễn cho đến khi Mỹ thuyết phục được Trung Quốc đàm phán về mở cửa thị trường và bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ.
Theo ông Huy, chiến tranh thương mại có thể dẫn tới chiến tranh tiền tệ mặc dù Chính phủ Trung Quốc liên tục lên tiếng bác bỏ sự can thiệp tỷ giá. Do đó Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu sang Mỹ nhưng cũng rủi ro khi tăng nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.
Mặt khác, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên sự biến động của đồng NDT tác động nhiều hơn đến đồng VND.
Đánh giá về thị trường trong bốn tháng còn lại của năm 2018, Trưởng phòng phân tích Chứng khoán KIS cho rằng VN-Index có khả năng tích lũy trong vùng 900-1.000 điểm trong quý III trước khi quay lại đỉnh cũ trong qúy IV. Đồng thời, đây là thời điểm giải ngân thích hợp.
Ông Hoàng Huy, Trưởng phòng phân tích Chứng khoán KIS Việt Nam. |
Ngân hàng, điện, dầu khí là những ngành có triển vọng tích cực
Nói về những ngành sẽ hút dòng tiền trong những tháng còn lại của 2018, ông Huy đánh giá Ngân hàng, Điện, Dầu khí, Cảng biển và Bất động sản Khu công nghiệp là những ngành có triển vọng tích cực.
Đối với ngành ngân hàng, hiện thanh khoản dồi dào trong khi lãi suất cho vay có xu hướng tăng, tiếp tục hỗ trợ tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (Net Interest Margin – NIM) của các ngân hàng.
Ngoài ra, nhà đầu tư đang kỳ vọng Vietcombank, BIDV sẽ hoàn tất bán vốn cho đối tác chiến lược nửa cuối 2018. Ông Huy dự đoán lợi nhuận các ngân hàng niêm yết trong năm tăng khoảng 30% với P/E khoảng 11,9.
Nói về triển vọng ngành điện, ông Huy kỳ vọng tiêu thụ điện tăng trưởng 10%, công suất phát điện tăng 3,2%. Nguyên nhân là do thời tiết nửa cuối được dự báo theo hướng trung tính, thuận lợi cho nhóm thủy điện.
Mặt khác có rất ít các nhà máy điện được đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2018-2020, trong khi nhu cầu luôn tăng trưởng cao (10%/năm) và dự phòng điện giảm về mức rất “mỏng”.
Tuy nhiên, ngành này cũng gặp rủi ro về biến động tỷ giá tác động tiêu cực lên các khoản vay ngoại tệ. Ngoài ra, điều kiện thời tiết bất ổn dễ ảnh hưởng đến cơ cấu huy động điện của toàn hệ thống do nhóm thủy điện chiếm tỷ trọng 30%-40% trong cơ cấu nguồn điện.
Đối với nhóm dầu khí, ông Huy cho biết, sản lượng khai thác và thăm dò của Việt Nam vẫn tiếp tục giảm, tương ứng còn 22,8 triệu tấn (giảm 10%) và 2,5 triệu tấn (giảm 38%).
Dự án Sao Vàng Đại Nguyệt với tổng giá trị 700 triệu USD, Lô B tổng giá trị 8 tỷ USD dự kiến triển khai trong giai đoạn 2018-2020 sẽ là động lực chính của nhóm dầu khí.