|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuỗi thực phẩm sạch - ngành kinh doanh không ‘dễ ăn’

10:44 | 01/08/2019
Chia sẻ
Tiệm loa đài ở ngã ba phố Lương Định Của vừa mọc lên, thế chỗ cho cửa hàng thực phẩm sạch mới khai trương được vài tháng.

Không khó để mở một cửa hàng thực phẩm sạch ở những khu dân cư đông đúc như Hà Nội, TP HCM nhưng để nhân rộng số cửa hàng là thách thức lớn của các nhà đầu tư. 

Do đó, nhìn toàn thị trường này, "miếng bánh" chủ yếu nằm ở những đơn vị nhận vốn đầu tư mạnh như Sói Biển hoặc theo mô hình nhượng quyền như Bác Tôm. Đây cũng là hai chuỗi có số cửa hàng lên tới hai chữ số hiện nay.

Các thương hiệu khác dù lâu đời nhưng không tập trung vào phát triển quy mô khi sở hữu chưa đến 10 cửa hàng như Cleverfood, Tâm Đạt Hữu Cơ, Đà Lạt GAP, Ofarm... Phần còn lại, chủ yếu là các đơn vị quy mô nhỏ theo mô hình hộ gia đình.

Chuỗi thực phẩm sạch - ngành kinh doanh không ‘dễ ăn’ - Ảnh 1.

Số liệu từ Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC) cho thấy, với quy mô áp đảo, Sói Biển đang dẫn đầu về doanh thu khi năm 2018, doanh thu của Công ty cổ phần Sói Biển Trung Thực (sở hữu Trang Trại Trung Thực và chuỗi Sói Biển) đạt 86 tỷ đồng. 

Đứng thứ hai là Công ty TNHH Thực Phẩm Sạch Dalat GAP sở hữu 3 cửa hàng bán lẻ Đà Lạt GAP có doanh thu hai chữ số - đạt 23 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là tổng doanh thu đến từ trang trại Đà Lạt GAP chứ không riêng 3 cửa hàng trên. Doanh thu của Công ty cổ phần thực phẩm sạch CleverFood (đơn vị sở hữu 7 cửa hàng Cleverfood) và Bác Tôm chỉ đạt hơn 2 tỷ đồng.

Quy mô lớn nhưng doanh thu của công ty sở hữu chuỗi này chỉ đạt 2 tỷ đồng do chuỗi hoạt động theo mô hình nhượng quyền. Chia sẻ với VnExpress, nhà sáng lập Bác Tôm – Trần Mạnh Chiến cho biết, doanh thu mỗi cửa hàng nhượng quyền hiện tối thiểu từ 200 triệu đồng một tháng. Cửa hàng nào quy mô lớn, vị trí tốt có thể đạt 900 triệu đồng.

Chuỗi thực phẩm sạch - ngành kinh doanh không ‘dễ ăn’ - Ảnh 2.

Khách hàng chọn thực phẩm tại một cửa hàng ở Hà Nội. Ảnh: An Nhiên.

Hiện chuỗi này đã phát triển ổn định nhưng đã có không ít nhà đầu tư nhượng quyền của Bác Tôm phải "dừng cuộc chơi" vì sự khốc liệt của ngành này.

"Nhìn thì dễ. Bắt tay vào làm rồi mới hiểu, việc kinh doanh thực phẩm sạch khó như thế nào", chị Thanh, một người từng nhận nhượng quyền thương hiệu kinh doanh thực phẩm sạch Bác Tôm đúng khi phong trào kinh doanh này nở rộ nói.

Chị kể, lúc mới bắt đầu, Bác Tôm chỉ có khoảng chục cửa hàng nhưng chỉ sau khoảng hai đến ba tháng, số cửa hàng nhượng quyền của chuỗi đã vọt lên 25. Và từ đây, không chỉ phải cạnh tranh với chợ truyền thống, với các chuỗi khác mà đôi khi, các cửa hàng trong cùng một chuỗi cũng phải cạnh tranh với nhau.

Khi làm, chị mới thực sự hiểu mô hình này khó hơn nhiều việc mở một siêu thị mini. Khó nhất là phải tính toán được lượng nhập hàng ngày để hàng tươi sống không bị tồn kho và huỷ nhiều. Rau nếu không tặng khách trong ngày thì cũng phải bỏ đi. "Sau nửa năm, tôi đóng cửa hàng. Một vài người bạn cũng lần lượt bỏ việc kinh doanh bán lẻ thực phẩm sạch ở các chuỗi khác", chị Thanh kể.

Nhà sáng lập của Bác Tôm, ông Trần Mạnh Chiến cũng thừa nhận với VnExpress từng có giai đoạn mở cửa hàng liên tục và phải đóng bớt. Tuy nhiên, nay khi chuỗi đã hoạt động ổn định với hơn 20 cửa hàng, Bác Tôm đang là một trong hai đơn vị dẫn đầu về quy mô hiện nay. Ông Chiến cho biết cũng không có ý định đi nhanh, tăng "nóng" về quy mô trong thời gian tới.

Cũng như Bác Tôm, Sói Biển - một chuỗi bán lẻ thực phẩm sạch khác đang dẫn đầu về quy mô cửa hàng cũng gặp không ít thách thức. Theo ông Nguyễn Khánh Trình, Giám đốc Công ty Sói Biển Trung Thực, tỷ suất lợi nhuận của ngành này không hấp dẫn.

"Khi bạn mở chuỗi cà phê, một ly trà giá vốn chỉ có 3.000 đồng, trong khi giá bán ra 50.000 đồng, nên có tỷ suất lợi nhuận lớn. Còn đối với bán lẻ thực phẩm sạch, hàng tồn kho, hàng hủy nhiều (đặc biệt là đồ tươi sống) do thời gian tiêu thụ ngắn, dẫn đến chi phí huỷ hàng tồn lớn", ông giải thích.

Theo ước tính của những người trong ngành, lợi nhuận gộp trên doanh thu của bán lẻ thực phẩm sạch chỉ khoảng 28%. Vì vậy, một khi chủ cửa hàng mở ra mà không quản lý được hàng tồn sẽ dẫn đến thua lỗ.

Ngoài ra, vị này nhận định, thị trường hiện tại khó khăn hơn trước đây nhiều do chịu sự cạnh tranh từ các ông lớn đổ tiền ra làm siêu thị mini như Vinmart+, Bách Hoá Xanh...

Tuy không nhắm đến ngách thực phẩm sạch, nhưng các cửa hàng này cũng hướng đến đối tượng khách hàng đi chợ. Họ nằm giữa hai phân khúc chợ truyền thống và thực phẩm sạch.

Vì lẽ đó, để không phải đóng cửa và nhường chỗ cho những tiệm loa đài như cửa hàng thực phẩm sạch trên phố Lương Định Của mới đây, là một thách thức không nhỏ.



Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

An Nhiên

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.