|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chứng thư đi toàn cầu cho ngành chăn nuôi

07:57 | 09/09/2017
Chia sẻ
Ngày 9/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức lễ xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên sang Nhật Bản. Đây là sự kiện vô cùng ý nghĩa, không chỉ chứng tỏ sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam có thể chinh phục các thị trường khó tính, mà còn mở ra lối thoát cho toàn ngành. Quan trọng hơn, sau khi xuất khẩu thành công thịt gà sang Nhật, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ có “chứng thư” đi toàn cầu.
chung thu di toan cau cho nganh chan nuoi
Lô thịt gà đầu tiên của Việt Nam sẽ lên đường sang Nhật Bản ngày 9/9/2017

Đã có nhiều loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU…, song với sản phẩm chăn nuôi, đây là lần đầu tiên, gia cầm xuất ngoại, lại sang hẳn thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Lô hàng thịt gà đầu tiên này có khối lượng 300 tấn; nếu làm tốt, khách sẽ nâng lên 2.000 tấn/tháng.

Thống kê cho thấy, mỗi năm, Nhật Bản chi hàng trăm tỷ USD nhập khẩu nông sản các loại, trong đó có gần 1 triệu tấn thịt gia cầm. Nếu tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu lần này, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thêm một thị trường tỷ đô.

Như vậy, thay vì loay hoay tiêu thụ nội địa, đau đầu đối phó với hàng nhập khẩu, khốn đốn vì khủng hoảng thừa, sản phẩm chăn nuôi đã có cơ hội khai thông thị trường xuất khẩu. Sự xuất quân may mắn của thịt gà đang thắp hy vọng cho các sản phẩm khác như trứng gà, thịt lợn… Khai thông thị trường xuất khẩu cũng giúp người chăn nuôi thêm vững tin bám trụ sản xuất, trong bối cảnh các cuộc “giải cứu” vì khủng hoảng thừa diễn ra liên miên.

Thế nhưng, nhìn từ khía cạnh khác, có thể thấy, Việt Nam vẫn chưa hưởng nhiều giá trị ròng từ lô hàng thịt gà đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản. Cụ thể, lô thịt gà trên do 4 doanh nghiệp cùng hợp tác trong chuỗi liên kết sản xuất, gồm: Hùng Nhơn Group (Bình Phước), De Heus (Hà Lan), Bel Gà (Bỉ) và Koyu & Unitek.

Trong chuỗi liên kết đó, doanh nghiệp Việt chỉ nhận được phần nuôi gia công, gà giống do Bel Gà lo, thức ăn do De Heus cung cấp. Riêng giống và thức ăn đã chiếm 70-80% giá thành. Đương nhiên, triển khai mô hình này, doanh nghiệp và người nuôi gà Việt Nam sẽ được tiếp cận phương thức chăn nuôi hiện đại, không phải lo đầu ra, nhưng phần gia công chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng giá trị sản phẩm. Phần lớn giá trị gia tăng trong sản phẩm rơi vào túi doanh nghiệp nước ngoài.

Trong giai đoạn đầu của quá trình tiến lên nền chăn nuôi hiện đại, có thể chấp nhận “làm thuê” cho nước ngoài để lấy kiến thức, kinh nghiệm, lấy thị trường, hình thành thói quen sản xuất chuỗi… và để ít nhất, sản phẩm gia cầm Việt Nam lần đầu tiên được xuất khẩu ra thế giới. Song về lâu dài, nếu Việt Nam không sớm nắm được công nghệ tiên tiến, hình thành các chuỗi liên kết nội, thì ngành chăn nuôi - dù có tiến lên hiện đại - vẫn chỉ làm công việc gia công và sản phẩm chăn nuôi Việt chưa chắc đã mang thương hiệu Việt.

Chính vì vậy, dù xuất khẩu gà sang Nhật là một tín hiệu rất vui, nhưng không vội mừng. Áp lực đặt ra đối với doanh nghiệp và người chăn nuôi là làm thế nào để có thể tự mình xây dựng được dây chuyền sản xuất hiện đại, lập chuỗi liên kết Việt nhằm đưa sản phẩm chăn nuôi ra thế giới.

Trên thực tế, Việt Nam là nước đi sau, nên việc nhập khẩu thiết bị công nghệ tiên tiến của thế giới không phải quá khó. Điều quan trọng nhất là tham vọng và độ “chịu chơi” của doanh nghiệp. Đơn cử, để xuất khẩu được lô hàng thịt gà sang Nhật, Koyu & Unitek đã phải bỏ ra 6 triệu USD nhập dây chuyền máy móc, công nghệ từ Nhật Bản để xây dựng nhà máy. Bù lại, không chỉ nhận được đơn hàng từ Nhật Bản, doanh nghiệp này còn chuẩn bị xuất khẩu sang EU.

Với người nông dân, để tham gia được cuộc chơi toàn cầu, điều quan trọng nhất là phải có ý thức tuân thủ kỷ luật, xóa bỏ tư duy ăn xôi, tư duy “làm thật nhiều, thật rẻ”.

Với doanh nghiệp, một khi đã chọn các thị trường khó tính là phải xác định tiến hành một cách bài bản, thậm chí phải chấp nhận lỗ ở giai đoạn đầu để hướng tới dài hạn. Một khi thiết lập được quy trình, vận hành ổn định, có vùng nguyên liệu đủ lớn, doanh nghiệp sẽ không lo thiếu đơn hàng.

Rõ ràng, muốn vào được các thị trường khó tính như Nhật Bản, sau đó là Mỹ, EU, sản phẩm chăn nuôi Việt Nam phải đi từ “gốc” là chất lượng, phải tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên nghiệp. Khi đã có nền sản xuất chuyên nghiệp, sản phẩm chất lượng, thì bài toán thị trường sẽ đơn giản hơn và trong tương lai không xa, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ cao hơn nhiều so với mục tiêu 33 tỷ USD trong năm 2017.

chung thu di toan cau cho nganh chan nuoi Bình Phước mở đường xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản

Ngày 8/9, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã có buổi làm ...

chung thu di toan cau cho nganh chan nuoi Năm 2017 Việt Nam sẽ xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản, EU

Trong 2017 có thể sẽ có sản phẩm thịt gà xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính.

chung thu di toan cau cho nganh chan nuoi Giải cứu ngành chăn nuôi – Mình phải tự cứu mình?

Ngành chăn nuôi đang đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Cụm từ “giải cứu heo”, “giải cứu ngành chăn nuôi”’ đã là ...

Thùy Liên