|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giải cứu ngành chăn nuôi – Mình phải tự cứu mình?

07:36 | 24/08/2017
Chia sẻ
Ngành chăn nuôi đang đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Cụm từ “giải cứu heo”, “giải cứu ngành chăn nuôi”’ đã là điệp khúc được nhắc đi nhắc lại thời gian qua. Tuy nhiên, rõ một điều rằng chẳng có gì có thể “giải cứu” mãi được và “chẳng ai cứu mình bằng việc mình tự cứu mình”. Vì thế, “cứu cánh” cho ngành chăn nuôi cũng chính là việc chính ngành này phải tìm cho mình giải pháp hiệu quả để xây dựng một ngành chăn nuôi hiện đại bền vững. 

Vẫn nhớ, cách đây mấy tháng, có thời điểm khó khăn nhất, giá thịt heo rớt xuống mức kỷ lục, dưới 20.000 đồng/kg, ngành chăn nuôi rơi vào khủng hoảng. Cả xã hội phải chung tay “giải cứu heo”, thậm chí Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã phải lên tiếng kêu gọi doanh nghiệp giảm giá thức ăn chăn nuôi nhằm góp phần “giải cứu” ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, bài học rút ra là không thể điều tiết cung cầu bằng mệnh lệnh hành chính hay vận động tiêu dùng, hoặc bằng sự “thương hại” nhất thời của các mạnh thường quân. Bởi xét cho cùng, qua cuộc khủng hoảng giá heo đã bộc lộ nhiều vấn đề từ công tác dự báo, cảnh báo cung cầu của ngành chăn nuôi không sát thực tế đến việc thiếu hụt một cách nghiêm trọng cơ sở chế biến, cấp đông thịt heo, hệ quả của việc phụ thuộc quá lớn chỉ vào một thị trường xuất khẩu…

Và điểm yếu lớn nhất là chuỗi chăn nuôi heo còn rời rạc từ khâu sản xuất đến thị trường, sản xuất chăn nuôi tự phát còn nhiều nên lợi nhuận chưa được chia đều, tập trung ở một số khâu thu mua và trung chuyển.

Trên thực tế, bài toán của ngành chăn nuôi, mà điểm nhấn là chăn nuôi heo luôn là bài toán không dễ có lời giải thấu đáo. Nguyên nhân sâu xa của những vấn đề này là bởi chúng ta thiếu quy hoạch và thể chế tổng thể; thiếu định hướng thị trường, thiếu tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, thiếu đầu tư chế biến và xây dựng thương hiệu.

Bên cạnh đó, khâu tổ chức liên kết sản xuất ngành theo chuỗi còn yếu, phụ thuộc nhiều vào khâu trung gian và khó kiểm soát, chưa truy xuất được nguồn gốc; đa số các hộ, trang trại chăn nuôi chưa chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi, con giống để giảm giá thành sản phẩm. Hàng loạt khó khăn đặt ra cần tháo gỡ nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ đâu là công cụ hiệu quả góp phần giải quyết những tồn tại của ngành chăn nuôi, sản xuất thịt heo tại Việt Nam hiện nay?

giai cuu nganh chan nuoi minh phai tu cuu minh
Vấn đề liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được các chuyên gia đánh giá là giải pháp quan trọng cho phát triển ngành chăn nuôi hiện đại, bền vững ở Việt Nam.

Tại Hội thảo “Đổi mới quản lý chuỗi sản xuất thịt lợn theo định hướng quốc tế” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với Bộ Kinh tế Hà Lan vừa tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, vấn đề liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được các chuyên gia đánh giá là giải pháp quan trọng cho phát triển ngành chăn nuôi hiện đại, bền vững ở Việt Nam. Đồng thời cũng là giải pháp đã được nhiều nước áp dụng để thúc đẩy kết nối sản xuất với thị trường, tăng tính dự báo; đảm bảo chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; điều tiết cung cầu, phân bổ lợi nhuận hợp lý.

Tất nhiên, việc đổi mới hợp tác liên kết chuỗi giá trị cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, HTX triển khai liên kết chuỗi, đồng thời hỗ trợ xây dựng, phát triển khung thể chế mới về liên kết chuỗi giá trị hàng hóa cũng như các sản phẩm chủ lực của địa phương. Bên cạnh đó, sản phẩm chăn nuôi, sản xuất thịt lợn trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập, đòi hỏi phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong khi đó phần lớn các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến chưa quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc là khó khăn lớn tại Việt Nam.

Trên tinh thần này, đã có nhiều nỗ lực từ phía cơ quan quản lý trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 7/2017, trên cả nước có gần 700 chuỗi nông sản; trong đó có hơn 330 chuỗi được cấp Giấy xác nhận “Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”. Còn đối với chuỗi sản phẩm chăn nuôi có tại 37 tỉnh, thành phố với số lượng khoảng 160 chuỗi; có 90 chuỗi được cấp Giấy xác nhận “Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”.

Dù vậy, một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành chăn nuôi tại Việt Nam là làm sao để kiểm soát hệ thống thương lái, vì khâu này đang chiếm lợi nhuận cao trong chuỗi cung ứng nhưng chưa có quy định để đảm bảo sự bình đẳng, minh bạch. Bên cạnh đó, việc kiểm soát, giám sát hệ thống thương lái còn góp phần tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm và quyền lợi người tiêu dùng.

Muốn được vậy, không chỉ cần những giải pháp khuyến khích, vận động mà phải có nhiều công cụ quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo một cách chặt chẽ dựa trên cơ sở pháp lý. Đặc biệt, việc xây dựng và hình thành chuỗi giá trị cho hàng hóa cần liên tục và củng cố để nâng cao giá trị của sản phẩm cuối cùng lên mức cao nhất.

Chuỗi giá trị sản phẩm phải đảm bảo từ khâu chăn nuôi, sản xuất, chế biến… cho đến cung ứng sản phẩm ra thị trường tiêu thụ; hay có thể hiểu là đảm bảo quy trình chăn nuôi, sản xuất từ trang trại đến bàn ăn. Trong đó, truy xuất nguồn gốc là công cụ để quản lý chuỗi; còn chuỗi giá trị hàng hóa được đo bởi các yếu tố như mức đầu tư thấp, giá thành cạnh tranh và thu về lợi nhuận cao.

Trong công cuộc “giải cứu ngành chăn nuôi” thì sự chung tay, chung sức từ phía các cơ quan quản lý đến các hộ nông dân là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, để xây dựng một ngành chăn nuôi phát triển bền vững được hay không lại là câu chuyện nội tại tự cứu mình của chính ngành này. “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”!

giai cuu nganh chan nuoi minh phai tu cuu minh Cấm nhập khẩu để giải cứu thịt heo: Nên không?

Sự sống còn của ngành chăn nuôi heo chính là nâng cao chất lượng, đáp ứng mọi thị trường.

giai cuu nganh chan nuoi minh phai tu cuu minh Ông Nguyễn Văn Giàu: 'Giải cứu thịt heo là một nỗi đau'

Việc xã hội liên tiếp phải vào cuộc "giải cứu" các sản phẩm nông nghiệp cho thấy những bất cập lớn trong công tác kế ...

Hà Vân