Trong tương lai, người dân trên thế giới sẽ ăn nhiều thịt gà hơn
Một bệnh dịch giết chết hàng triệu con lợn và đại dịch COVID-19 có thể gây tổn hại đến ngành công nghiệp sản xuất thịt, nhưng chúng không thể ngăn cản sự mở rộng của ngành này trong một thập kỉ tới, chủ yếu nhờ vào nhu cầu tiêu thụ thịt gà tăng cao trên toàn cầu, theo Bloomberg.
Theo báo cáo từ Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), sản lượng thịt toàn cầu sẽ tăng 12% vào năm 2029. Trong đó lượng thịt gia cầm chiếm một nửa mức tăng trưởng, trước bối cảnh các quốc gia như Trung Quốc và Brazil mở rộng sản lượng.
Cũng theo FAO, sản xuất sẽ dần hồi phục vào năm 2025, sau khi chạm đáy trong năm nay do bệnh dịch tả heo châu Phi và tác động từ đại dịch COVID-19.
Sản lượng thịt tăng lên là một tin xấu cho môi trường. Lượng khí thải carbon từ ngành công nghiệp sản xuất và chế biến thịt dự kiến sẽ tăng 6% trong thập kỉ tới, khi chăn nuôi được xem là nguyên nhân lớn gây ra ô nhiễm môi trường.
Trong khi những lo ngại về môi trường và sức khoẻ đang thúc đẩy nhiều người tiêu dùng ở các nước phát triển chuyển sang chế độ ăn uống từ thực vật, thì người dân ở các thị trường mới nổi vẫn đang sử dụng ngày càng nhiều hơn các sản phẩm từ thịt và sữa trong bữa ăn của họ.
Holger Matthey, nhà kinh tế tại bộ phận thuơng mại và thị trường của FAO, chia sẻ sẽ không ghi nhận xu hướng chuyển sang chế độ ăn kiêng tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình trong vòng 10 năm tới.
"Điều này cho thấy rằng chúng ta sẽ cần phải hành động nhiều hơn nữa vì sự phát triển bền vững", Matthey nói.
Thịt gia cầm sẽ là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng ở các nước đang phát triển, nhờ giá cả thấp hơn, theo báo cáo của FAO. Tuy nhiên, tổ chức này cũng nhấn mạnh rằng mặc dù dự báo tiêu thụ thịt toàn cầu sẽ tăng, nhưng nó sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều so với trước đây.