Chứng khoán Trung Quốc lao dốc khi căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, khối ngoại bán tháo 2,3 tỉ USD
Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite sụt 3,86% xuống còn 3.196,77 điểm. Shenzhen composite lao dốc 5%, đóng cửa ở mức 2.138,36 điểm. Theo Bloomberg, nhà đầu tư nước ngoài đã bán tổng cộng 2,3 tỉ USD cổ phiếu Trung Quốc riêng trong ngày 24/7.
Theo Reuters, đồng nhân dân tệ - thước đo cho căng thẳng Mỹ - đang trên đà tiến tới tuần tồi tệ nhất trong hai tháng trở lại. Nhân dân tệ được giao dịch ở ngưỡng 7,0166 CNY/USD trong nước và 7,0224 CNY/USD tại nước ngoài.
Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 2,51% trong chiều ngày 24/7. Cổ phiếu công nghệ đồng loạt lao dốc, Tencent và Alibaba lần lượt giảm 5,57% và 3,16%. Cổ phiếu các công ty trò chơi điện tử cũng chịu chung số phận.
Theo CNBC, tâm điểm trong tuần này là leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc đã yêu cầu lãnh sứ quán Mỹ tại Thành Đô phải đóng cửa, nhằm trả đũa việc Mỹ ra lệnh đóng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.
Hôm 23/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng có bài phát biểu kịch liệt chỉ trích Trung Quốc. Ông Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ không tiếp tục dung túng cho những nỗ lực lật đổ trật tự toàn cầu của Bắc Kinh.
Ông Vishnu Varathan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế và chiến lược tại Mizuho Bank viết trong lưu ý: "Hiện tại, rủi ro từ xung đột Mỹ-Trung nhiều khả năng sẽ khiến cho tâm lí của nhà đầu tư trên thị trường châu Á trở nên ngày càng tiêu cực, theo sau sự sụt giảm 1,2-1,3% của chứng khoán Mỹ phiên 23/7".
Ông Varathan dự kiến Trung Quốc sẽ cố gắng duy trì giữ cho thị trường chứng khoán và đồng nhân dân tệ được ổn định.
"Chúng tôi dự kiến PboC (ngân hàng trung ương Trung Quốc) sẽ đẩy mạnh nỗ lực giữ cho đồng nhân dân tệ được ổn định, đi kèm với các chính sách hỗ trợ mức tăng "hợp lí" của thị trường chứng khoán. Các hành động này sẽ giúp thúc đẩy thu nhập, tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp hàng đầu nhằm chống chọi với Mỹ tốt hơn, và quan trọng là củng cố sự ổn định của thị trường vốn".
Tại Mỹ, diễn biến hợp đồng tương lai các chỉ số cho thấy Dow Jones sẽ mất hơn 100 điểm khi mở cửa, đồng thời báo hiệu S&P 500 và Nasdaq 100 sẽ đi xuống.
Việt Nam và các thị trường châu Á khác
Kết phiên 24/7, VN-Index giảm 27,59 điểm xuống còn 829,16 điểm, tương đương mức giảm 3,22%. Ngoài căng thẳng Mỹ - Trung, nhà đầu tư Việt Nam còn lo ngại khi nước ta ghi nhận một ca dương tính với COVID-19 trong cộng đồng tại thành phố Đà Nẵng.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia đóng cửa giảm 1,16% xuống 6.024 điểm, đà giảm giá diễn ra chủ yếu ở các cổ phiếu tài chính và dầu mỏ.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm nhẹ 0,71% xuống 2.200,44 điểm.
Thị trường Nhật Bản không mở cửa ngày 24/7.
Nhìn chung, chỉ số theo dõi thị trường châu Á-Thái Bình Dương của MSCI sụt 1,89%.
Phiên 23/7, nhà đầu tư Mỹ bán tháo cổ phiếu công nghệ. Số liệu việc làm tiêu cực hơn so với dự kiến có tác động tới tâm lí chung trên thị trường.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ là 1,416 triệu trong tuần trước, đánh dấu tuần thứ 18 liên tiếp chỉ tiêu này cao hơn mốc 1 triệu. Trước đó, khảo sát của Dow Jones cho thấy các nhà kinh tế dự kiến số đơn xin trợ cấp thất nghiệp chỉ khoảng 1,3 triệu.