|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán toàn cầu bị bán tháo, chuyên gia cảnh báo ‘còn lâu mới thấy đáy’

22:34 | 07/05/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán toàn cầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi xuống trong mùa hè 2022 khi ngân hàng trung ương của nhiều nước vội tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát phi mã.

Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào ngày 16/3 và thêm 50 điểm cơ bản vào ngày 4/5/2022.

Ông Brunello Rosa, CEO và Giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn Rosa & Roubini, cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới và hoạt động kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 6/5, ông Rosa nói: “Giờ là lúc đánh giá lại các nhân tố căn bản liên quan tới tăng trưởng trên toàn thế giới”.

“Thị trường khó có thể lạc quan khi lạm phát đi lên, tăng trưởng sa sút còn lãi suất thì tăng nhanh ở khắp nơi”, Giáo sư Brunello Rosa nói thêm.

Công ty tư vấn Rosa & Roubini do hai nhà kinh tế vĩ mô Brunello Rosa và Nouriel Roubini cùng sáng lập. Ông Roubini nổi tiếng từ thời khủng hoảng tài chính 2008 là người có cái nhìn tiêu cực về thị trường và thường xuyên dự báo các kịch bản thảm khốc liên quan tới nền kinh tế.

 

Phiên 5/5, thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt lao dốc với chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones rớt hơn 1.000 điểm, Nasdaq Composite sụt 5%, tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều chìm sâu trong sắc đỏ.

Phiên trước đó (4/5), các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng mạnh khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cho biết Fed chưa có ý định tăng lãi suất 0,75 điểm % trong mỗi cuộc họp mà dự kiến chỉ điều chỉnh từ 0,25 đến 0,5 điểm % mỗi lần.

Giáo sư Rosa cho rằng nhà đầu tư ban đầu ăn mừng vì tin tức Fed sẽ không nâng lãi suất 0,75 điểm %. Nhưng sau đó có thể nhiều người đã nhận ra rằng Fed sẽ phải nhiều lần tăng lãi suất 0,5 điểm % trong vài tháng tới và tác động của hai kịch bản này không quá khác biệt.

Chỉ số Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên 4/5 nhưng sang phiên 5/5 lại giảm mạnh hơn.

Ông Rosa cũng nói rằng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hiện nay là ngân hàng trung ương duy nhất có cái nhìn thực tế sau khi các quan chức BoE ngày 5/5 cảnh báo về rủi ro suy thoái mà nền kinh tế Anh đang đối mặt.

“Rõ ràng là tất cả ngân hàng trung ương lúc này vẫn đang nói cứng. Nhưng thực tế là hoạt động thắt chặt tiền tệ mạnh tay cuối cùng sẽ dẫn tới suy giảm kinh tế”, Giáo sư Brunello Rosa nhận định. “Ở khu vực đồng Euro và Mỹ, [các nhà hoạch định chính sách] vẫn chưa nhận thấy rằng hoạt động kinh tế sẽ bị thu hẹp theo một kiểu nào đó”.

Ông Rosa dự báo cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kéo dài hơn nhiều so với dự báo của đa số nhà đầu tư, khiến cho những thách thức khác như đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát phi mã và lãi suất lên cao càng thêm trầm trọng.

Song Ngọc