|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ tụt dốc trong khi chờ số liệu lợi nhuận và lạm phát, Nasdaq mất hơn 2%

07:13 | 12/07/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 11/7 giảm điểm khi nhà đầu tư đang đợi kết quả kinh doanh của loạt doanh nghiệp lớn để đánh giá tác động của lạm phát tới hoạt động kinh doanh.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ sa sút trong phiên 11/7.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 164 điểm, tương ứng 0,52%, và kết phiên ở gần 31.174 điểm. S&P 500 giảm 1,15% còn 3.854 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm sâu nhất khi mất 2,26% và đóng cửa ở gần 11.373 điểm.

CNBC dẫn lời ông Tim Lesko, Giám đốc công ty quản lý tài sản Mariner Wealth Advisors, nhận định: “Tất cả đều phụ thuộc vào lợi nhuận doanh nghiệp, không phải lợi nhuận trong các quý trước mà là kỳ vọng về tình hình kinh tế trong tương lai. Doanh nghiệp vừa công bố lợi nhuận bao nhiêu không quan trọng, điều quan trọng là dự báo triển vọng trong thời gian tới”. 

Ông Jack Ablin, thành viên sáng lập Cresset Capital, cho rằng các doanh nghiệp sẽ hạ dự báo kết quả kinh doanh trong các quý tới do phải lo ứng phó với giá cả tăng nhanh, tăng trưởng chậm lại và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay thắt chặt tiền tệ.

Dow Jones giảm điểm hai phiên liên tiếp.

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý II của các tập đoàn lớn sẽ bắt đầu với PepsiCo và Delta Air Lines vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này (12 và 13/7). Sau đó sẽ đến lượt các đại gia ngân hàng gồm JPMorgan Chase, Morgan Stanley, Wells Fargo và Citigroup.

Các cổ phiếu sòng bạc Wynn Resorts và Las Vegas Sands dẫn đầu đà lao dốc của thị trường phiên 11/7 khi đều mất hơn 6% giữa nhiều thông tin tiêu cực về tình hình COVID-19 tại Trung Quốc. Đặc khu hành chính Macau đã thông báo đóng cửa tất cả sòng bạc trong một tuần. Thượng Hải đã phát hiện ca bệnh đầu tiên nhiễm biến chủng BA.5.

Ông Adam Crisafulli, nhà sáng lập công ty phân tích Vital Knowledge, đánh giá: “Những lực cản đến từ COVID không chỉ là vấn đề của Trung Quốc. Số ca nhiễm đang tăng trên toàn cầu. Mặc dù vậy, rủi ro tái phong tỏa ở Mỹ và châu Âu là cực kỳ thấp”.

Tiêu dùng không thiết yếu, dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin là những nhóm giảm sâu nhất thị trường chứng khoán Mỹ phiên đầu tuần. Biểu đồ bên dưới cho thấy 10/12 nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 đóng cửa trong sắc đỏ.

10/12 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đi xuống trong phiên 11/7. Tiện ích và bất động sản là hai nhóm duy nhất tăng điểm.

Amazon và Alphabet cùng mất hơn 3%, Netflix sụt 5,2% trong khi Tesla lao dốc 6,5%. Nike, Caterpillar và Walt Disney đều giảm hơn 2%, qua đó kéo tụt chỉ số Dow Jones.

Cổ phiếu Twitter cắm đầu 11,3% sau khi tỷ phú Elon Musk – CEO hãng xe điện Tesla – tuyên bố chấm dứt thương vụ mua lại công ty mạng xã hội này với giá 44 tỷ USD. Lý do mà Elon Musk đưa ra cho việc “hủy kèo” là Twitter không thẳng thắn cung cấp thông tin về số lượng tài khoản giả. Twitter phủ nhận cáo buộc của Musk.

Trong một diễn biến khác, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tiếp tục ở trên kỳ hạn 10 năm, tạo nên hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược. Nhiều nhà đầu tư và chuyên gia coi sự đảo ngược này là một dấu hiệu của suy thoái kinh tế.

Đường màu xanh vượt lên trên đường màu đỏ, cho thấy lợi suất 2 năm đang cao hơn lợi suất 10 năm 

Thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên đầu tuần 11/7 sau khi phân hóa trong ngày cuối tuần trước. Phiên thứ Sáu (8/7) Dow Jones và S&P 500 giảm nhẹ trong khi Nasdaq Composite tăng phiên thứ 5 liên tiếp.

Tính chung cả tuần trước, cả ba chỉ số đều đi lên sau khi Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 6 khả quan hơn dự báo. Nền kinh tế Mỹ tạo ra tới 372.000 việc làm mới, xua đi một phần lo ngại về nguy cơ suy thoái.

Mặc dù vậy, thị trường lao động mạnh mẽ giúp cho Fed có thêm dư địa để nâng lãi suất nhằm chống lạm phát.

Nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 được công bố vào ngày thứ Tư (13/7). Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát dự báo tỷ lệ lạm phát toàn phần sẽ là 8,8%, cao hơn mức 8,6% đã ghi nhận trong tháng 5.

Đa phần chỉ số chứng khoán trên thế giới đều giảm điểm trong phiên 11/7, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. VN-Index của Việt Nam giảm ít hơn các chỉ số của Đức, Mỹ, Hong Kong.

Đa phần chỉ số chứng khoán đi xuống trong phiên đầu tuần 11/7.

Song Ngọc - Đức Quyền