|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ tiếp đà đi lên nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo sẽ có điều chỉnh

08:11 | 18/04/2023
Chia sẻ
Chỉ số S&P 500 càng tăng điểm, càng ít chiến lược gia tin tưởng vào chỉ số này. Hiện tại, tâm lý bi quan và hoài nghi đang bao trùm thị trường chứng khoán Mỹ.

Trader trên sàn giao dịch chứng khoán New York. (Ảnh: Bloomberg).

Thị trường bi quan trầm trọng

Theo tờ Bloomberg, các nđầu tư có lẽ phải rất can đảm mới vượt qua được tâm lý hoài nghi đang chiếm hữu Phố Wall ngay lúc này. Chỉ số S&P 500 càng tăng, càng ít người tin tưởng vào nó. Chỉ riêng trong tháng 4, S&P 500 đã tăng 6%.

Các quỹ phòng hộ đã bắt đầu đặt cược chống lại thị trường chứng khoán Mỹ. Dữ liệu về hợp đồng tương lai e-mini của S&P 500 (hay S&P 500 e-mini futures) cho thấy tâm lý bi quan trầm trọng nhất kể từ tháng 11/2011.

Dữ liệu từ Ủy Giao dịch Hàng hoá Tương lai cho thấy, tính đến đầu tháng 4, các nhà đầu cơ lớn đã chứng kiến các vị thế bán ròng đối với S&P 500 e-mini futures tăng lên khoảng 321.000 hợp đồng.

“Hiện giờ, rất khó để duy trì tâm lý lạc quan”, ông Eric Diton, Giám đốc tại hãng tài chính Wealth Alliance, nhận định. “Mọi người ai cũng tiêu cực”.

Ông là một trong những người duy nhất giơ tay tại một hội nghị đầu tư gần đây ở Florida khi được hỏi liệu thị trường chứng khoán có thể tăng 10% trong năm nay hay không.

Tâm lý là một chuyện, nhưng biến động giá chứng khoán là chuyện khác. Chỉ số VIX đo lường trạng thái biến động của thị trường chung đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm ngoái.

Nhà đầu tư càng hoài nghi về sức khoẻ của thị trường trong dài hạn khi chứng khoán phớt lờ những cảnh báo về suy thoái kinh tế và suy thoái lợi nhuận doanh nghiệp. Giá cổ phiếu tiếp tục đi lên, riêng S&P 500 tăng điểm 5 trong 7 tuần qua.

Dòng vốn chảy ra từ các quỹ tương hỗ và thị trường tương tương lai cho thấy thay vì tăng, S&P 500 lẽ ra phải giảm 3% trong ba tháng qua, theo một mô hình do Goldman Sachs tổng hợp.

“Dòng chảy đang khá yếu”, các nhà phân tích của Goldman Sachs nhận định. “Điều này cho thấy cuộc phục hồi gần đây của thị trường chứng khoán không có bệ đỡ vững chắc”.

Chia sẻ với Bloomberg, ông Jake Jolly, trưởng bộ phận phân tích đầu tư tại BNY Mellon Investment Management, cảnh báo: “Hiện tại, rủi ro giảm giá đối với cổ phiếu đã lớn hơn nhiều”.

 

Nên rút lui ngay bây giờ

Trên Phố Wall có một câu ngạn ngữ rất hay, đó là hãy bán vào tháng 5 và rút khỏi thị trường. Các chiến lược gia đang gấp rút cảnh báo nhà đầu tư, rằng đã đến lúc phải rút lui.

Ông Troy Gayeski, chiến lược gia thị trường trưởng tại FS Investments, nhấn mạnh: “Không có lý do gì để chờ đợi, chúng ta không dễ dàng đạt tỷ suất sinh lời 10% khi rút khỏi thị trường đâu [đừng đợi]”.

“Các đợt tăng mạnh nhất luôn diễn ra trong thị trường gấu”, ông Gayeski thông tin thêm. Vị chiến lược gia đã nhìn thấy một kịch bản, mà trong đó S&P 500 có thể giảm hơn 20% so với mức hiện tại.

Ông Chris Harvey, trưởng bộ phận phân tích cổ phiếu của Wells Fargo, đồng tình rằng việc nấn ná là không khôn ngoan. Ông và các đồng nghiệp dự đoán thị trường sẽ điều chỉnh 10% trong vòng 3 đến 6 tháng tới.

Theo ông Harvey, nếu nhà đầu tư cho rằng chu kỳ thắt chặt chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã kết thúc vào tháng 3, thì thị trường chứng khoán đã phục hồi rõ nét hơn. Song, chiến dịch tăng lãi suất có thể chưa kết thúc.

Liz Ann Sonders, chiến lược gia cấp cao tại Charles Schwab, cho biết nếu nhà đầu tư tin rằng thị trường chứng khoán sẽ tăng điểm trở lại khi Fed ngừng nâng lãi suất, thì niềm tin đó thật sai lầm.

Đợt tăng lãi suất cuối cùng của Fed thường không phải là tín hiệu tăng giá rõ ràng đối với thị trường.  “Một vài vấn đề xảy ra sau khi Fed tạm ngừng tăng lãi suất”, bà cảnh báo.

“Thật sai lầm khi một số nhà đầu tư nghĩ rằng thị trường sẽ tăng điểm, rủi ro đã nằm lại phía sau và họ nên gom cổ phiếu khi Fed dừng chu kỳ thắt chặt chính sách hoặc thông báo tạm dừng”, bà Sonders nhấn mạnh.

Khả Nhân