|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ tăng theo từng phát biểu về tiến triển thương mại, dù thực tế chẳng có tiến triển nào

10:33 | 16/11/2019
Chia sẻ
Cứ mỗi lần Tổng thống Trump hoặc các quan chức trong chính quyền của ông bình luận về những chuyển biến tích cực trong đàm phán thương mại với Trung Quốc, thị trường chứng khoán Mỹ lại phi ầm ầm, mặc dù thực tế có thể không giống như lời nói.
trump xi 11/2018 TASS Getty

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: Getty Images.

Phiên giao dịch 15/11, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng hơn 220 điểm điểm (0,8%) lên trên ngưỡng 28.000 lần đầu tiên trong lịch sử. Chỉ số S&P 500 cũng tăng 0,77% lên đỉnh mới. Đây là lần thứ 21 chỉ số này phá đỉnh lịch sử trong năm nay.

Biến động này diễn ra sau khi Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Mỹ và Trung Quốc "đang đến gần" một thỏa thuận thương mại và quá trình đàm phán giữa hai nước đang trong giai đoạn cuối. Trước đó ít ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nói cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra tốt đẹp và có tiến triển tốt.

DJ

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lần đầu vượt ngưỡng 28.000 điểm phiên 15/11. Nguồn: CNBC/FactSet.

Trong gần hai năm qua, thị trường chứng khoán Mỹ gần như luôn luôn biến động theo bất cứ tin tức gì về quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Bản thân ông Kudlow đã từng nhiều lần phát tín hiệu tích cực về tiến bộ trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, khiến các nhà đầu tư lạc quan nhưng rồi phải hụt hẫng khi thấy hai bên tiến một bước chỉ để lùi hai bước.

Cuộc đàm phán đến nay vẫn chưa đạt được kết quả nào cụ thể và hai siêu cường kinh tế vẫn tăng cường đánh thuế lên hàng trăm tỉ USD hàng hóa của nhau.

Ngày 28/2 năm nay, ông Kudlow nói cuộc đàm phán thương mại vừa diễn ra "rất tuyệt diệu"và "Chúng tôi đã đạt được tiến bộ về các rào cản phi thuế quan cũng như vấn đề thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa như đậu nành, năng lượng và thịt bò. Chúng tôi có các cơ chế để thực thi mà tôi cho là vô tiền khoáng hậu".

Đến ngày 3/4, ông Kudlow lại nói hai bên đạt được "tiến triển tốt" và cho biết thêm rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ "đến gần hơn" với một thỏa thuận trong các cuộc đàm phán về sau.

Ngày 4/10, ông Kudlow dự đoán có thể sẽ có một vài "sự bất ngờ tích cực" từ vòng đàm phán ngày sắp diễn ra ngày 10-11/10.

Ngày 11/10, ông Trump tuyên bố Mỹ đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một rất lớn với Trung Quốc.

Ngày 17/10, ông Kudlow cho biết hai bên "có một số đồng thuận và đang trên đà tiến lên để hoàn thiện thỏa thuận".

Ngày 18/10, ông Trump nói ông hi vọng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sẽ được kí kết vào giữa tháng 11.

Ngày 21/10, ông Trump nói thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đang tiến triển "rất tốt"

Ngày 8/11, ông Trump nói Mỹ-Trung đang rất gần một thỏa thuận thương mại.

Và đến ngày 14/11, ông Kudlow lặp lại thông điệp hai nước "đang đến gần" một thỏa thuận thương mại.

Mỹ và Trung Quốc đã hạ nhiệt một phần căng thẳng trong thời gian gần đây sau khi ông Trump tuyên bố hai nước đã thống nhất thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu, trong đó Mỹ tạm ngừng tăng thuế quan còn Trung Quốc hứa tăng cường nhập nông sản của Mỹ. 

Tuy nhiên những điểm này vẫn chưa được đưa vào một văn kiện chính thức được lãnh đạo hai nước kí kết.

Phía Trung Quốc không chỉ muốn Mỹ tạm ngừng nâng thuế quan mà còn phải gỡ bỏ những lần áp thuế từ trước, Bắc Kinh coi đây là điều kiện tiên quyết để đạt được thỏa thuận thương mại. Chính quyền Washington tất nhiên chưa đồng ý với điều kiện này.

Ban đầu, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến kí kết thỏa thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC tổ chức ở thủ đô Santiago, Chile. Về sau sự kiện này bị hủy vì bất ổn xã hội tại nước chủ nhà và Mỹ-Trung vẫn chưa thể kí kết thỏa thuận đang được cả thế giới mong đợi.

Vấn đề chắc chắn không phải chỉ là địa điểm, nếu hai nước thực sự đồng thuận cao về các nội dung chi tiết, việc chọn một dịp kí kết sẽ không có gì khó khăn. Việc Mỹ-Trung đến nay vẫn chưa thể chính thức hóa đồng thuận được tuyên bố hơn một tháng trước cho thấy vẫn còn rất nhiều vướng mắc và do vậy nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán không nên quá lạc quan.

Mặc dù vậy, ba chỉ số chứng khoán chính là S&P 500, Dow Jones và Nasdaq Composite vẫn liên tục lập đỉnh mới trong vài tuần gần đây.

Các nhà đầu tư có thể đã cảnh giác hơn trước những bình luận tích cực từ phe ông Trump sau 18 tháng tranh chấp dai dẳng. Tuy nhiên, do các chương trình giao dịch bằng thuật toán ngày càng phổ biến, thị trường trở nên nhạy cảm hơn với mỗi dòng tít báo.

Ông Matthew Maley, Giám đốc chiến lược thị trường tại Miller Tabak nói: "Một vài thành viên nội các của ông Trump nói: 'Chúng ta đã rất gần một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc', nhưng rồi mọi người nhận ra rằng tuần trước, hai tuần trước, hay ba tuần trước họ cũng nói những lời y hệt như thế".

Ông nói thêm: "Với tác động của các thuật toán giao dịch ngày nay, thị trường bất ngờ tăng sốc là điều dễ hiểu. Tuy nhiên chúng tôi rất nghi ngờ về tính bền vững của những lần tăng như thế".

Kiên Dương, Y Vân