Chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh mẽ, nhóm cổ phiếu nào dẫn sóng?
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 618 điểm, tương đương 1,82%, và kết phiên ở gần 34.640 điểm. Dẫn đầu đà đi lên là cổ phiếu Boeing với mức tăng 7,5%.
Chỉ số S&P 500 tăng 1,42% lên 4.577 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite thêm 0,8%. Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000, với nhiều thành viên nhạy cảm với tình hình kinh tế, tăng vượt trội 2,7%.
Theo CNBC, cổ phiếu hàng không, sòng bạc và dầu khí dẫn dắt đà đi lên của thị trường trong ngày 2/12. Delta Air Lines vọt lên 9,3%, MGM Resorts và Norwegian Cruise Line cùng thêm 7,7%. Wynn Resorts và Hilton Worldwide tăng tương ứng 8,2% và 7,4%.
Đại gia dầu khí Chevron thêm 2,7%, ExxomMobil tăng 2,5%, Occidental Petroleum và Baker Hughes cũng đi lên lần lượt 2,4% và 2,5%.
Boeing, một thành viên của Dow Jones, bật tăng 7,5% sau khi Trung Quốc cho phép dòng 737 Max bay trở lại.
Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi biến thể Omicron của COVID-19 sau khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại Mỹ.
Chính quyền ông Biden chống dịch bằng cách yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc nhân viên tiêm vắc xin trước khi quay lại nơi làm việc. Nhà Trắng cũng thắt chặt quy định liên quan tới đi lại, yêu cầu hành khách tới Mỹ phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 24 giờ trước khi khởi hành.
Mỹ đã phát hiện ca nhiễm Omicron thứ 2 ở bang Minnesota, sau ca đầu tiên ở bang California. Các quan chức y tế cho biết ca Minnesota đã khỏi bệnh hoàn toàn trong khi ca California chỉ có các triệu chứng nhẹ.
Cổ phiếu Apple giảm 0,61% sau khi Bloomberg News đưa tin nhu cầu iPhone đang chậm lại trước mùa nghỉ lễ quan trọng.
CNBC dẫn lời ông Jim Paulsen, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Leuthold Group nhận định: "Thị trường hồi phục thì cũng tốt đấy nhưng có lẽ nhà đầu tư không nên vội mừng. Sự sợ hãi và tham lam sẽ tiếp tục chi phối diễn biến của thị trường khi nhà đầu tư dao động giữa hai thái cực tâm lý: Một bên là lo ngại rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa qua và một bên là lo bỏ lỡ đà phục hồi".
Nguy cơ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ thắt chặt tiền tệ sớm hơn và mạnh tay hơn dự kiến cũng đang đè nặng lên tâm lý thị trường.
Bà Savita Subramanian, Giám đốc chiến lược cổ phiếu và định lượng tại Bank of America Securities cho biết tháng 12 thường là giai đoạn tích cực của thị trường chứng khoán Mỹ. Từ năm 1936 đến nay, xác suất S&P 500 tăng trong tháng 12 là 79%, mức tăng trung bình là 2,3%.
Trong phiên hôm trước (1/12), chứng khoán Mỹ đi lên mạnh mẽ vào buổi sáng, Dow Jones có lúc tăng 521 điểm. Tuy nhiên đến buổi chiều, sau khi có tin ca nhiễm Omicron đầu tiên trên đất Mỹ, thị trường đồng loạt lao dốc, Dow Jones đóng cửa trong sắc đỏ 462 điểm, tức là mất gần 1.000 điểm tính từ đỉnh của phiên.
Tính từ đầu tuần đến nay, Dow Jones đang giảm 0,7%, S&P 500 và Nasdaq Composite mất lần lượt 0,4% và 0,7%.
Sáng 2/12, Bộ Lao động Mỹ cho biết số người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước là 222.000, thấp hơn so với ước tính 240.000 của các nhà kinh tế mà Dow Jones khảo sát. Tuần trước đó, số người xin trợ cấp là 194.000, thấp nhất trong vòng 52 năm.
Báo cáo thị trường việc làm tháng 11 sẽ được công bố vào ngày 3/12. Các chuyên gia của Dow Jones kỳ vọng nền kinh tế tạo ra thêm 531.000 việc làm, tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm từ 4,6% còn 4,5%.