|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ hồi phục, Dow Jones chuyển từ giảm hơn 700 điểm thành tăng gần 200 điểm

07:04 | 20/03/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 19/3 giảm sâu đầu phiên nhưng sau đó nhanh chóng đi lên và đóng cửa trong sắc xanh. Cổ phiếu các hãng năng lượng và công nghệ lớn dẫn đầu sự hồi phục của thị trường.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 188 điểm, tức gần 1% và lấy lại mốc 20.000 điểm đánh mất trong phiên 18/3.

Chỉ số S&P 500 tăng 0,5% lên 2.409 điểm trong khi Nasdaq Composite tăng vượt trội 2,3% và đóng cửa ở 7.150 điểm. Cổ phiếu công nghệ Netflix và Facebook tăng lần lượt 5,3% và 4,2%. Amazon tăng 2,8%.

Chứng khoán Mỹ hồi phục, Dow Jones chuyển từ giảm hơn 700 điểm thành tăng gần 200 điểm - Ảnh 1.

Biến động chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 19/3. Nguồn: Bloomberg.

Đầu phiên 19/3, có lúc Dow Jones sụt 721 điểm, tức hơn 3%. S&P 500 cũng có lúc giảm hơn 3%.

Các cổ phiếu năng lượng diễn biến tích cực trong phiên với nhóm năng lượng của chỉ số S&P 500 tăng hơn 6%. Cổ phiếu các hãng sản xuất dầu lớn như Diamondback Energy và Apache tăng 11% khi giá hợp đồng tương lai dầu thô WTI tăng 23% - mức tăng một ngày lớn nhất trong lịch sử.

Thị trường chứng khoán Mỹ gần đây biến động mạnh thất thường. Phiên 18/3, chỉ số Dow Jones sụt 1.338 điểm, tương đương 6,3% và lần đầu tiên đóng cửa dưới 20.000 điểm kể từ tháng 2/2017 trở lại đây.

Trong 8 phiên liên tiếp tính tới ngày 18/3, chỉ số S&P 500 đều biến động hơn 4% theo cả hai chiều tăng – giảm, phá kỉ lục 6 phiên liên tiếp vào tháng 11/1929.

Chứng khoán Mỹ hồi phục, Dow Jones chuyển từ giảm hơn 700 điểm thành tăng gần 200 điểm - Ảnh 2.

Biến động chỉ số S&P 500 trong những phiên gần đây.

Ông Gregory Faranello, Giám đốc giao dịch lãi suất tại công ty chứng khoán AmeriVet Securities nhận định: "Đang xảy ra tình trạng khan hiếm USD trên toàn cầu. Dù là ở châu Á, Brazil, các thị trường mới nổi, châu Âu hay ở chính nước Mỹ, đồng USD đang được mọi người săn đón. Thử nhìn tất cả mọi loại tài sản, giá cái gì cũng giảm. Thứ duy nhất được định giá bằng USD và đang tăng giá chính là đồng USD".

Chỉ số dollar index, theo dõi sức mạnh của đồng USD với một rổ các loại tiền tệ khác, tăng lên 102,67 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 1/2017.

Tối hôm 18/3, Ngân hàng Trung ương châu Âu thông báo một gói bơm tiền khẩn cấp để ứng phó với đại dịch COVID-19. Theo thông báo, từ nay cho đến hết năm 2020 ECB sẽ chi khoảng 750 tỉ USD (821 tỉ USD) để mua lại nhiều loại chứng khoán (bao gồm trái phiếu chính phủ), cung cấp thanh khoản cho nền kinh tế châu Âu.

"ECB sẽ đảm bảo rằng tất cả khu vực kinh tế sẽ được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ tài chính này, giúp các lĩnh vực đều có thể chống chịu cú sốc. Gói hỗ trợ này sẽ được áp dụng đồng đều cho các gia đình, doanh nghiệp, ngân hàng và các chính phủ", thông cáo của ECB cho biết.

Trước ECB, các ngân hàng trung ương của Nhật Bản và Mỹ cũng đã áp dụng những biện pháp mạnh tay để chống lại thiệt hại kinh tế từ đại dịch COVID-19.

Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bất ngờ hạ lãi suất quĩ liên bang về 0%, lãi suất cửa sổ chiết khấu về 0,25% và bắt đầu thực hiện gói nới lỏng định lượng (QE) để bơm 750 tỉ USD vào nền kinh tế.

Ông Eric Winograd, chuyên gia kinh tế cao cấp tại công ty quản lí tài sản AllianceBernstein nhận định: "Các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Fed, đang chơi trò 'đập chuột' với hệ thống tài chính. Mỗi ngày lại có một vấn đề mới nổi lên và các ngân hàng trung ương lại công bố một chương trình mới hoặc tái áp dụng một chính sách cũ để cố 'đập tan' vấn đề đó".

Song Ngọc