|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 4 liên tiếp sau cảnh báo của CEO JPMorgan, Nasdaq xuống đáy hai năm

07:22 | 11/10/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong phiên đầu tuần 10/10, cổ phiếu công nghệ và năng lượng lao dốc giữa những lo ngại về suy thoái và lãi suất tăng.

Nasdaq Composite xuống đáy hơn hai năm khi cổ phiếu công nghệ liên tục bị bán tháo.

Chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,04% và đóng cửa ở 10.542 điểm. Đây là mức thấp nhất của chỉ số thiên về công nghệ này kể từ tháng 7/2020, như thể hiện trong biểu đồ bên trên. Các cổ phiếu trong ngành sản xuất chip như Nvidia và AMD tác động tiêu cực tới chỉ số.

S&P 500 giảm 0,75% còn 3.612 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất gần 94 điểm, tương đương 0,32%, và kết phiên ở gần 29.203 điểm.

Dow Jones mất điểm 4 phiên liên tiếp.

Các chỉ số chứng khoán dao động lình xình trong buổi sáng rồi đi xuống trong buổi chiều khi tỷ phú Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase, cảnh báo nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ rơi vào suy thoái trong 6 - 9 tháng tới, tức là vào năm 2023. Ông Dimon còn cho rằng đợt suy thoái này sẽ nghiêm trọng chứ không nhẹ nhàng như một số nhà kinh tế dự báo.

Các nhân tố tiêu cực mà CEO của JPMorgan Chase chỉ ra bao gồm: lạm phát phi mã, lãi suất tăng mạnh hơn dự kiến, tác động khó đoán của chính sách thắt chặt định lượng và cuộc xung đột Nga – Ukraine.

“Đó là những vấn đề rất, rất nghiêm trọng mà tôi cho là nhiều khả năng sẽ đẩy Mỹ và thế giới vào một cuộc suy thoái trong 6 – 9 tháng nữa. Châu Âu đang suy thoái sẵn rồi”, ông Dimon nói. "Chúng ta không thể bàn luận về nền kinh tế mà không nói về những vấn đề trong tương lai, và vấn đề trong tương lai của chúng ta là rất nghiêm trọng".

Cổ phiếu của các hãng sản xuất chip xuống dốc sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden áp đặt quy định xuất khẩu mới nhằm hạn chế việc doanh nghiệp Mỹ bán các loại chip tiên tiến dùng trong siêu máy tính và những thiết bị sản xuất liên quan cho Trung Quốc.

Cổ phiếu công nghệ cũng bị bán tháo mạnh trong giai đoạn thị trường gấu này vì doanh nghiệp công nghệ vay nợ nhiều và đặc biệt nhạy cảm với tình trạng lãi suất cao.

Cổ phiếu năng lượng là nhóm giảm mạnh nhất chỉ số S&P 500 giữa những lo ngại về suy thoái kinh tế, như thể hiện trong biểu đồ dưới đây. Vẫn có 4/11 nhóm cổ phiếu đóng cửa trong sắc xanh nhưng không đủ để kéo S&P 500 lên trên tham chiếu.

Năng lượng và công nghệ là những nhóm giảm mạnh nhất thị trường chứng khoán Mỹ ngày 10/10.

Thị trường giao dịch trái phiếu Chính phủ Mỹ đóng cửa trong ngày 10/10 nhân dịp Ngày Columbus. Thanh khoản giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ cũng xuống thấp hơn bình thường.

CNBC dẫn lời ông Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại B. Riley Financial, nhận xét: “Nhiều nhà đầu tư tìm kiếm thông tin từ biến động của lợi suất trái phiếu Kho bạc. Khi thị trường trái phiếu đóng cửa, nhà đầu tư không biết nhìn vào đâu nên thanh khoản cổ phiếu thấp là điều dễ hiểu”.

Thị trường chứng khoán Mỹ tuần này sẽ đón nhận nhiều thông tin quan trọng khi 4 ngân hàng thuộc nhóm lớn nhất thế giới là JPMorgan, Wells Fargo, Morgan Stanley và Citigroup sẽ công bố kết quả kinh doanh quý III vào ngày thứ Sáu (14/10).

Số liệu tài chính và bình luận từ những nhà băng khổng lồ này sẽ giúp nhà đầu tư hiểu thêm về hiện trạng nền kinh tế Mỹ và triển vọng vĩ mô tương lai.

JP Morgan Chase là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ được công bố vào ngày thứ Tư (12/10) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào thứ Năm (13/10). Nhà đầu tư sẽ căn cứ vào những số liệu lạm phát này để dự báo chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)

Trong tuần sau, PepsiCo, Delta Air Lines và Domino’s sẽ thông báo kết quả kinh doanh quý III.

Đức Quyền