|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên đầu năm 2023, Apple và Tesla gây áp lực lớn

07:27 | 04/01/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 3/1 đi lên đầu phiên nhưng sau đó đóng cửa trong sắc đỏ. Những lo ngại về lãi suất tăng và lạm phát cao từng ảnh hưởng tới thị trường trong năm vừa qua tiếp tục khiến nhà đầu tư lo lắng.

S&P 500 mất 19,4% trong năm 2022 và tiếp tục suy giảm trong phiên đầu năm 2023.

Chỉ số S&P 500 giảm 0,4% còn 3.824 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 0,76% và kết phiên ở 10.387 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm gần 11 điểm và đóng cửa ở 33.136 điểm.

Đây là phiên thứ hai liên tiếp các chỉ số chứng khoán Mỹ đóng cửa trong sắc đỏ.

Nasdaq đi xuống hai phiên liên tiếp.

Theo CNBC, tâm lý nhà đầu tư chuyển sang tiêu cực trong phiên đầu năm 2023 sau khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất do S&P Global công bố giảm từ 47,7 điểm trong tháng 11 xuống còn 46,2 điểm trong tháng 12/2022.

Đây là mức điểm thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Chỉ số PMI dưới 50 điểm cho thấy hoạt động kinh tế đang giảm sút.

PMI tháng 12/2022 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.

Hai cổ phiếu vốn hóa lớn là Tesla và Apple cùng tiếp đà lao dốc từ năm 2022 và tác động tiêu cực tới thị trường chung. Khối công nghệ nói chung chịu thiệt hại nặng nề khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nâng lãi suất 7 lần liên tiếp để chống lạm phát.

Tesla rớt 12,2% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020 sau khi tập đoàn xe điện của CEO Elon Musk thông báo doanh số quý IV thấp hơn kỳ vọng. Cổ phiếu Apple giảm 3,7% sau thông tin đại gia iPhone và iPad này sẽ cắt giảm sản xuất vì nhu cầu yếu.

Apple vẫn giữ ngôi đầu về vốn hóa trên thị trường chứng khoán Mỹ nhưng tụt xuống dưới mốc 2.000 tỷ USD, như biểu đồ dưới đây cho thấy. Vốn hóa Tesla sụt 4 bậc trên bảng xếp hạng xuống vị trí thứ 15.

Vốn hóa của Apple tụt xuống dưới mốc 2.000 tỷ USD.

Theo CNBC, tâm lý bi quan có thể sẽ còn kéo dài trên thị trường chứng khoán Mỹ trong năm 2023 khi Fed dự định tiếp tục nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (bps), làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế.

Ông Greg Bassuk, CEO công ty đầu tư AXS Investments, nhận định: “Một môi trường suy thoái trong năm 2023 có thể tiếp tục gây áp lực cho cổ phiếu công nghệ do nhà đầu tư sẽ ngày càng muốn tìm đến những cổ phiếu có xu hướng giá trị, biên lợi nhuận cao hơn, dòng tiền bền vững và cổ tức cao”.

Cổ phiếu năng lượng là nhóm giảm sâu nhất thị trường chứng khoán Mỹ.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ vừa kết thúc năm 2022 với kết quả tệ hại nhất kể từ năm 2008 và chấm dứt chuỗi tăng ba năm liên tục. Dow Jones mất 8,8% trong năm qua và rơi 10,3% kể từ đỉnh lịch sử. S&P 500 mất 19,4% so với đầu năm 2022 và giảm hơn 20% so với kỷ lục. Nasdaq Composite lao dốc hơn 33%.

Nhiều chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy thoái và lợi nhuận doanh nghiệp sa sút trong năm 2023. Tuy nhiên, hy vọng thị trường chứng khoán hồi phục vẫn còn.

Dữ liệu lịch sử cho thấy từ 1950 đến nay, S&P 500 chỉ có hai lần ghi nhận hai hoặc ba năm giảm liền nhau. Sau một năm giảm trên 1%, trung bình S&P 500 tăng 15% trong năm tiếp theo.

Chứng khoán Mỹ rất ít khi giảm hai năm liên tiếp.

Trong tuần đầu năm 2022, nhà đầu tư tiếp nhận nhiều số liệu kinh tế quan trọng.

Phiên 3/1, S&P Global đã công bố chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tháng 12/2022 thấp hơn dự kiến và thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Cùng ngày, số liệu chi tiêu xây dựng tháng 11 tăng nhẹ, cho thấy ngành này có thể đang hồi phục.

Ngày 4/1, số liệu việc làm cần tuyển dụng và biên bản cuộc họp Fed hôm 13-14/12 sẽ được công bố.

Ngày 6/1, nhà đầu tư sẽ hướng sự chú ý tới báo cáo việc làm tháng 12. Đây là báo cáo thị trường lao động cuối cùng mà các quan chức Fed tiếp nhận trước cuộc họp định kỳ hôm 31/1 – 1/2. Nhiều quan chức cấp cao của Fed sẽ phát biểu trong hai ngày 5/1 và 6/1.

Đức Quyền