Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi đón số liệu lạm phát và biên bản họp Fed
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 0,1% xuống còn gần 29.211 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,33% và đóng cửa ở 3.577 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm gần 0,1% và kết phiên ở 10.417 điểm.
Đây là phiên giảm điểm thứ 6 liên tiếp của S&P 500, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Dow Jones cũng đã đi xuống trong 5/6 phiên gần đây.
Trong phiên, các chỉ số cổ phiếu đi lên và lợi suất trái phiếu giảm sau khi biên bản cuộc họp ngày 20 – 21/9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố. Biên bản cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ dự định tiếp tục nâng lãi suất và giữ cho lãi suất ở mức cao cho tới khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nhiều quan chức Fed đã liên tục phát đi các thông điệp tương tự nên biên bản này không gây bất ngờ lớn cho nhà đầu tư. Một ý kiến trong biên bản cuộc họp giúp nhà đầu tư lạc quan rằng Fed có thể sẽ giảm nhịp độ thắt chặt tiền tệ hoặc thậm chí là đảo ngược chính sách nếu thị trường tài chính biến động mạnh hơn.
“Một số thành viên dự họp lưu ý rằng trong môi trường kinh tế và tài chính toàn cầu cực kỳ bất định như hiện nay, việc đánh giá tốc độ thắt chặt trong tương lai là rất quan trọng nhằm giảm thiểu rủi ro gây ra các tác động tiêu cực quá lớn đối với triển vọng kinh tế”, biên bản do Fed công bố ngày 12/10 có đoạn viết.
Các chỉ số cổ phiếu dao động giữa xanh và đỏ sau khi Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng 8, cao gấp đôi so với mức tăng 0,2% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo. Biểu đồ bên dưới cho thấy số liệu PPI tháng 9 trái ngược với mức giảm 0,2% từng ghi nhận trong tháng 8.
PPI là một trong những thước đo lạm phát mà nhà đầu tư chú ý theo dõi cùng với các thông tin từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Nếu lạm phát cao dai dẳng như thể hiện qua số liệu PPI tháng 9, ngân hàng trung ương Mỹ nhiều khả năng sẽ kiên trì theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ để kìm hãm giá cả. Nói cách khác, lãi suất có thể sẽ tăng mạnh và duy trì ở mức cao trong thời gian dài, gây áp lực tiêu cực với cổ phiếu.
Bước sang ngày 13/10, nhà đầu tư sẽ đón nhận thêm báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 – một thước đo lạm phát còn quan trọng hơn PPI.
CNBC dẫn lời ông Mike Loewengart, Giám đốc xây dựng mô hình danh mục tại Morgan Stanley Global Investment Office, nhận định: “Nhiệm vụ của Fed chắc chắn là rất khó khăn. Nếu số liệu CPI ngày mai cũng cao, một số nhà đầu tư sẽ bắt đầu hiểu ra con đường quay về lạm phát trong tầm kiểm soát sẽ dài tới mức nào”.
Ông Mike Wilson, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Morgan Stanley, cho rằng nhà đầu tư không nên trông chờ vào việc Fed đổi hướng chính sách và giải cứu thị trường cổ phiếu. "Chúng tôi không nghĩ là Fed sẽ sớm thay đổi lập trường thực sự, tức là bắt đầu cắt giảm lãi suất".
Thị trường dự báo ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (bps) trong cuộc họp ngày 1-2/11. Trong ba cuộc họp liền nhau vào tháng 6, 7 và 9, Fed đều tăng lãi suất thêm 75 bps.
Bà Seema Shah, Giám đốc chiến lược thị trường tại Principal Asset Management, nhận định: "Thị trường gặp khó trong quý III do làn sóng suy thoái toàn cầu. Trong bối cảnh Fed đã nói rõ ý định sẽ giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, các thách thức này sẽ tiếp tục làm khổ thị trường trong những tháng cuối năm 2022 và sang cả năm 2023".