|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau báo cáo việc làm gây thất vọng

07:14 | 09/10/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ phiên 8/10 đóng cửa trong sắc đỏ nhưng nếu so với đầu tuần, các chỉ số vẫn đang cao hơn. Tâm lý lạc quan về trần nợ được nâng lên đã phần nào triệt tiêu tác động của báo cáo việc làm đáng thất vọng.

Chỉ số S&P 500 giảm 0,2% còn 4.391,34 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 0,5%, đóng cửa ở 14.579,54 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 8,69 điểm còn 34.746,25 điểm.

Tính chung cả tuần, Dow Jones tăng 1,2%, đánh dấu tuần khởi sắc nhất kể từ tháng 6. S&P 500 tăng 0,8%, tích cực nhất kể từ tháng 8. Nasdaq nhích lên gần 0,1%.

Theo CNBC, giá dầu tăng cao đã giúp các cổ phiếu năng lượng khởi sắc trong phiên cuối tuần. Cụ thể, giá dầu thô WTI tại Mỹ vượt mốc 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2014. Cổ phiếu của đại gia dầu khí Chevron - một thành viên của Dow Jones - tăng 2,2%, Exxon Mobil thêm 2,5%, ConocoPhillips vọt lên gần 4,8%.

Chỉ số phụ ngành năng lượng tăng 3,13%, đóng vai trò trụ đỡ quan trọng nhất cho S&P 500.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau báo cáo việc làm gây thất vọng - Ảnh 1.

Cổ phiếu năng lượng diễn biến khả quan nhất S&P 500.

Sáng 8/10 (theo giờ Mỹ), Bộ Lao động công bố báo cáo việc làm tháng 9 với nhiều thông tin trái chiều khiến cho thị trường rơi vào giằng co, các chỉ số không tăng nhưng cũng không giảm quá mạnh.

Cụ thể trong tháng vừa qua, nền kinh tế Mỹ chỉ tạo ra thêm 194.000 việc làm, thấp hơn nhiều so với dự báo 500.000 việc làm của các nhà kinh tế mà Dow Jones khảo sát.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau báo cáo việc làm gây thất vọng - Ảnh 2.

Số việc làm tạo mới sụt giảm trong tháng 9.

Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp vẫn giảm xuống 4,8%, thấp hơn nhiều so với dự báo 5,1% của các nhà kinh tế và tương đương với giai đoạn cuối 2016. Số việc làm tạo mới trong tháng 8 cũng được điều chỉnh từ ước tính sơ bộ 235.000 lên 366.000.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau báo cáo việc làm gây thất vọng - Ảnh 3.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện vẫn cao hơn so với năm 2019.

Một bức tranh thị trường lao động u ám có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang trì hoãn kế hoạch giảm quy mô chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD hàng tháng.

CNBC dẫn lời ông Jamie Cox, Giám đốc công ty tư vấn tài chính Harris Financial Group nhận định: "Số liệu việc làm tháng 9 có thể khiến kế hoạch bắt đầu giảm bơm tiền vào cuối năm nay phải thay đổi. Báo cáo có nhiều thông tin tích cực như tiền lương theo giờ tăng lên nhưng không đủ để che lấp đi thực tế rằng bức tranh thị trường lao động vẫn khá ảm đạm khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp".

Trong tuần tới, mùa công bố kết quả kinh doanh quý III sẽ bắt đầu tăng tốc. Theo số liệu của FactSet, lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc S&P 500 sẽ tăng 27,6% so với quý III/2020, mức tăng trưởng cao thứ 3 kể từ 2010 trở lại đây.

Đã có 47 doanh nghiệp trong S&P 500 dự báo EPS quý III sẽ giảm và 56 doanh nghiệp dự báo EPS tăng. 

Cho đến nay đã có 21 công ty đã công bố kết quả kinh doanh, trong đó có 15 công ty (chiếm 71%) cho biết những vấn đề về chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận quý III.

Song Ngọc

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.