Chứng khoán Mỹ đang biến động dữ dội nhất kể từ đầu đại dịch
Chọn một hướng đi rồi lại đổi chiều, đó là diễn biến tóm tắt của thị trường chứng khoán Mỹ trong những ngày qua. Chỉ số S&P 500 luân phiên tăng và giảm ít nhất 1% trong 4 phiên liên tiếp – chuỗi dài nhất kể từ tháng 6/2020. Tình trạng này cũng xảy ra trong thị trường trái phiếu, với lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm biến động dữ dội quanh khoảng 1,5%, Bloomberg cho biết.
Sự đảo chiều chóng mặt phản ánh sự phân chia rõ rệt giữa hai phe bò và gấu trên thị trường chứng khoán Mỹ. Một mặt, khẩu vị rủi ro đang bị kìm chế vì sự không chắc chắn về trần nợ, sự thắt chặt của chính sách tiền tệ và đứt gãy chuỗi cung ứng.
Cùng lúc, tâm lý đang được củng cố nhờ tình hình đại dịch COVID-19 được cải thiện, nền kinh tế vững vàng và dự báo tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số của doanh nghiệp Mỹ.
Ông Bob Doll, Giám đốc đầu tư tại Crossmark Global Investments nhận xét: "Bối cảnh của thị trường chứng khoán đã trở nên tốt-xấu lẫn lộn. Khi cả hai phe lạc quan lẫn bi quan đều có lý do chính đáng thì thị trường sẽ biến động nhiều hơn".
Chứng khoán Mỹ hồi phục trong phiên 5/10, chỉ số S&P 500 đi lên 1,1% khi thước đo hoạt động trong ngành dịch vụ của Mỹ trong tháng 9 tích cực hơn ước tính của các nhà kinh tế. Phiên trước đó, cổ phiếu công nghệ bị bán tháo khiến chỉ số S&P 500 tổn thất với quy mô tương tự.
Tuy biến động mạnh có thể mang lại cơ hội mua cổ phiếu giá tốt, quyết tâm của phe bắt đáy đang đối mặt với thử thách lớn nhất trong vòng một năm trở lại. Hiện tại, nhà đầu tư của các quỹ ETF chưa có sự trở lại ấn tượng và nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn tỏ ra thận trọng.
Bà Megan Horneman, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Verdence Capital Advisors cho biết: "Tôi sẽ không mua vào ở thời điểm này. Thị trường vẫn có thể đi xuống tiếp, đặc biệt với những nhóm ngành rất đắt đỏ. Tôi cho rằng các cổ phiếu tăng trưởng vẫn chưa phản ánh vào giá lãi suất gia tăng hay lạm phát cao dai dẳng hơn dự kiến ban đầu, cũng như nguy cơ tăng thuế doanh nghiệp".
Chỉ số S&P 500 hiện vẫn đang nằm dưới đường trung bình động 100 ngày, ngưỡng hỗ trợ quan trọng trong thị trường giá lên hiện tại. S&P 500 cũng chưa phá vỡ điểm kháng cự gần 4.385 điểm, vốn đã cản lại nỗ lực bứt phá của chỉ số trong tuần trước và vào tháng 7.
Với thị trường vẫn ở trong biến động lớn, nhà đầu tư quyền chọn có vẻ ngần ngại tiêu tốn chi phí để phòng vệ cho trường hợp S&P 500 lao dốc. Theo RBC Capital Markets, đây có thể là dấu hiệu cho thấy điều tồi tệ nhất đã qua.
Ông Jonathan Krinsky, trưởng nhóm chuyên gia đầu tư kỹ thuật tại Bay Crest Partners cũng có chung nhận định về chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq 100. Lưu ý ông gửi cho khách hàng viết: "Kể cả khi nhóm công nghệ không lập đỉnh mới, chúng tôi cho rằng động thái tiếp theo của thị trường là tiến lên".
Nhưng quỹ đầu cơ có vẻ kém lạc quan hơn và đã tăng cường bán khống trong 8 ngày liên tiếp, theo dữ liệu từ Goldman Sachs. Khi nhóm công nghệ bị bán tháo trong phiên đầu tuần, quỹ đầu cơ rũ bỏ cổ phiếu công nghệ với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7 và giảm bớt vị thế trong các ông lớn là Facebook, Amazon, Apple, Microsoft và Alphabet.
Đối với chuyên gia Chris Harvey của Wells Fargo, đợt biến động hiện nay của chứng khoán Mỹ một phần do nhà đầu tư phân bổ lại tài sản với dự đoán về thay đổi tiềm tàng trong chính sách tiền tệ và triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
Ông Harvey nói: "Chúng ta đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp. Do đó chiến lược thành công trong vài tháng qua không còn đúng nữa. Kỳ báo cáo kết quả kinh doanh sẽ sớm bắt đầu, nhưng từ giờ cho đến lúc đó vĩ mô sẽ đóng vai trò chủ đạo".