Chứng khoán Mỹ giảm điểm giữa lo ngại về triển vọng đạt thỏa thuận thương mại
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 95,7 điểm (0,36%) và đóng cửa ở 26.478,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,45% còn 2.938,79 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,33% còn 7.956,29 điểm.
Biến động chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 7/10. Nguồn: Bloomberg.
Trong phần lớn thời gian của phiên, các chỉ số dao động giữa xanh và đỏ rồi cuối cùng đóng cửa dưới tham chiếu.
Ông Phil Blancato, CEO của công ty quản lí tài sản Ladenburg Thalmann nhận định: "Thay đổi lớn hay đột phá rất khó xảy ra nhưng các cuộc đàm phán tích cực sẽ là một chất xúc tác cho thị trường chứng khoán".
Ngày Chủ nhật (6/10 giờ Mỹ), Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã nói với một đoàn lãnh đạo cấp cao nước ngoài rằng Trung Quốc sẽ không cam kết cải cách chính sách công nghiệp hoặc chính sách trợ cấp chính phủ trong cuộc đàm phán ngày 10-11/10 sắp tới tại Washington.
Ông Lưu Hạc sẽ là trưởng đoàn của Trung Quốc trong lần đàm phán sắp tới.
Từ lâu, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu rõ rằng nếu muốn đạt một thỏa thuận thương mại toàn diện, phía Trung Quốc phải thay đổi chính sách công nghiệp (bao gồm việc trộm cắp bí mật công nghệ) và chính sách trợ cấp cho doanh nghiệp.
Theo Bloomberg, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng việc Tổng thống Trump gặp khó khăn do dính phải bê bối điều tra luận tội để gây sức ép với ông trên bàn đàm phán thương mại.
Tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ giảm sâu sau nhiều thông tin tiêu cực về kinh tế như hoạt động sản xuất giảm thấp nhất hơn 10 năm, tăng trưởng việc làm khu vực tư nhân không đạt kì vọng, lĩnh vực dịch vụ cũng ghi nhận tăng trưởng thấp nhất trong hơn ba năm.
Giữa lo ngại về nguy cơ suy thoái, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất gần 840 điểm trong hai phiên đầu tuần. Tuy đóng cửa trong sắc xanh phiên thứ Sáu (4/10) nhưng tính chung cả tuần trước, Dow Jones vẫn giảm 0,9%, S&P 500 cũng mất 0,5%. Đây là tuần suy giảm thứ ba liên tiếp của các chỉ số này.
Tuy nhiên, các số liệu kinh tế tiêu cực lại làm tăng hi vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường đang dự báo xác suất Fed hạ lãi suất trong cuộc họp cuối tháng này là khoảng 80%. Trong hai lần họp gần đây diễn ra vào tháng 7 và tháng 9, Fed đều hạ lãi suất cơ bản 0,25 điểm %.