|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ giảm 4 phiên liên tục, S&P 500 mất 4,2% trong tháng 8

07:39 | 01/09/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp đà đi xuống trong phiên 31/8 khi các chỉ số chính đều chìm trong sắc đỏ. Thành tích hồi phục kể từ đáy hồi giữa tháng 6 đang hao hụt dần khi nhà đầu tư lo sợ chiến dịch chống lạm phát của Fed.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ lập đỉnh ngắn hạn trong phiên 16/8 rồi liên tục đi xuống.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 280 điểm, tương đương 0,88%, và kết phiên ở 31.510 điểm. S&P 500 mất 0,78% và đóng cửa ở 3.955 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng giảm 0,56% còn 11.816 điểm.

Đầu phiên, các chỉ số chính đều giao dịch trong sắc xanh. Tuy nhiên dần về cuối phiên, giá cổ phiếu đồng loạt đi xuống.

Thị trường chứng khoán Mỹ giao dịch khởi sắc trong nửa đầu tháng 8 và lập đỉnh ngắn hạn vào phiên 15-16/8, nhưng sau đó các chỉ số dần sa sút khi nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát.

Tính chung cả tháng 8 vừa qua, S&P 500 mất 4,2%, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới, Dow Jones và Nasdaq cũng giảm tương ứng 4,1% và 4,6%.

S&P 500 tăng 9,1% trong tháng 7 rồi mất 4,2% trong tháng 8.

Sau phiên 31/8, các chỉ số Dow Jones và S&P 500 chỉ còn cao hơn đáy ngắn hạn hồi giữa tháng 6 lần lượt 6,3% và 8,7%, Nasdaq hiện cao hơn 11,8% so với đáy của mình. Những mức tăng này chỉ bằng khoảng một nửa so với kết quả ghi nhận vào phiên 16/8 khi các chỉ số chưa điều chỉnh.

Đà giảm lan rộng trong phiên cuối tháng 8 với 10/11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đóng cửa trong sắc đỏ. Thống kê dưới đây cho thấy cổ phiếu vật liệu là nhóm giảm sâu nhất, theo sau là tiêu dùng không thiết yếu, công nghệ và năng lượng.

Nhóm cổ phiếu dịch vụ viễn thông đóng cửa ngang tham chiếu phiên 31/8.

Theo CNBC, nhà đầu tư đã liên tục tranh cãi trong nhiều tuần qua về việc liệu nền kinh tế Mỹ đang trong một cuộc suy thoái hay sắp sửa rơi vào suy thoái. Nhiều người tin rằng việc kinh tế suy thoái sẽ khiến cho Fed giảm nhịp độ thắt chặt tiền tệ.

Tuy nhiên, tại hội nghị thường niên Jackson Hole hôm 26/8, Chủ tịch Fed Jerome Powell thể hiện cam kết chống lạm phát mạnh mẽ, tuyên bố sẽ tăng lãi suất trong thời gian dài cho dù có gây ra thiệt hại tới nền kinh tế.

CNBC dẫn lời ông Brad McMillan, Giám đốc đầu tư tại Commonwealth Financial Network, nhận định: “Các thị trường trước đây kỳ vọng vào kịch bản lãi suất chỉ tăng ít và sau đó nhanh chóng giảm xuống. Tuy nhiên, bài phát biểu của ông Powell cho thấy rõ rằng lãi suất sẽ tăng mạnh hơn và duy trì ở mức cao lâu hơn so với mọi người dự báo”.

“Việc thiết lập lại sự ổn định giá cả nhiều khả năng sẽ đòi hỏi phải duy trì chính sách thắt chặt trong một khoảng thời gian. Các bằng chứng lịch sử cho thấy nói lỏng chính sách quá sớm là điều rất không nên”, ông Powell phát biểu sáng 26/8 (theo giờ Mỹ).

Fed đã tăng lãi suất trong 4 cuộc họp liên tiếp.

Đầu năm nay, lãi suất quỹ liên bang nằm ở vùng thấp lịch sử 0 – 0,25%. Sau 4 lần tăng liên tiếp, lãi suất điều hành của Fed hiện ở khoảng 2,25 – 2,5%. Hôm 31/8, bà Loretta Mester, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, cho biết bà dự báo lãi suất sẽ tăng lên trên 4% vào đầu năm 2023.

Hôm 30/8, ông John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York và Phó Chủ tịch Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), tuyên bố ủng hộ “chính sách thắt chặt để hạn chế tổng cầu” và kìm hãm giá cả.

Ngày 29/8, ông Neel Kashkari, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, chia sẻ với tờ Bloomberg rằng ông cảm thấy “hài lòng” khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau phát biểu về lạm phát và lãi suất của ông Powell tại Jackson Hole.

Theo ông Kashkari, các nhà đầu tư đã không đánh giá đúng kế hoạch chống lạm phát của Fed, bằng chứng là thị trường chứng khoán tăng mạnh sau khi Fed nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 7.

“Chắc chắn là tôi không vui vẻ gì khi thấy thị trường chứng khoán bật tăng sau cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang hồi tháng 7, bởi vì tôi biết rằng Fed quyết tâm chống lạm phát mạnh mẽ như thế nào. Tôi nghĩ có vẻ thị trường đã không hiểu đúng thông điệp của Fed”, ông Kashkari nói.

Ông Kashkari hiện nay không phải là thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – cơ quan có quyền quyết định chính sách lãi suất và cung tiền của Fed. Cuộc họp tiếp theo của FOMC sẽ diễn ra vào ngày 20-21/9. Thị trường dự báo lãi suất sẽ tăng khoảng 50 hoặc 75 điểm cơ bản (bps).

Fed có khả năng sẽ nâng lãi suất thêm 75 bps vào tháng 9.

Đức Quyền