|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ đối mặt loạt rủi ro trong tháng 9

10:47 | 01/09/2021
Chia sẻ
Sau 7 tháng đi lên liên tiếp, chứng khoán Mỹ đối mặt rất nhiều rủi ro tiềm tàng, có khả năng biến tháng 9 trở thành tháng tồi tệ nhất trong năm đối với thị trường.
Chứng khoán Mỹ đối mặt loạt rủi ro trong tháng 9 - Ảnh 1.

Nhà đầu tư trên Sàn giao dịch chứng khoán New York. (Ảnh: Getty Images).

Hãng nghiên cứu CFRA cho biết kể từ Thế chiến thứ II, chỉ có 45% lần chỉ số S&P 500 đi lên trong tháng 9. Trung bình, chỉ số này đi xuống 0,56% trong tháng 9 – kết quả tiêu cực nhất của các tháng trong năm.

Giới chuyên gia nói rằng chưa chắc thị trường sẽ xảy ra điều chỉnh hoặc thoái lui, nhưng rủi ro đang tăng lên, bao gồm: Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thay đổi chính sách, sự lây lan của biến chủng Delta và rủi ro chính trị.

Sự sụt giảm trong tháng 9 còn tệ hơn khi rơi vào năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống. Trung bình, chỉ số S&P 500 mất 0,73% trong những năm này. CFRA cũng phát hiện rằng trong những năm mà S&P 500 thiết lập kỷ lục trong cả tháng 7 và tháng 8 – như năm nay – chỉ số này trung bình rớt 0,74%.

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 31/8 đóng cửa trong sắc đỏ nhưng khi tính chung cả tháng 8, S&P 500 vẫn đi lên 3%. Tính từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã tăng 20,4% và lập đỉnh 53 lần, CNBC cho biết. 

Chứng khoán Mỹ đối mặt loạt rủi ro trong tháng 9 - Ảnh 2.

Dữ liệu được lấy theo hàng tuần.

Rủi ro gia tăng

Tháng 9 có những rủi ro đã được lên lịch sẵn, bao gồm báo cáo việc làm tháng 8 sẽ được công bố vào 3/9. Dữ liệu này có thể quyết định Fed sẽ ra thông báo thế nào trong cuộc hợp 22/9.

Theo Dow Jones, các nhà kinh tế kỳ vọng 750.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 8. Nếu con số thực tế cao hơn nhiều kỳ vọng, giới chuyên gia cho rằng Fed sẽ thúc đẩy kế hoạch cắt giảm chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD/tháng và có thể chính thức ra thông báo trong tháng 9. Ngược lại, nếu dữ liệu việc làm chỉ bằng hoặc thấp hơn ước tính, Fed có thể lùi lại dự định tapering trong vài tháng.

Bà Liz Ann Sonders, Giám đốc đầu tư của Charles Schwab cho biết dữ liệu việc làm yếu kém có thể không phải thông tin tiêu cực, vì nó hàm ý rằng Fed sẽ hoãn kế hoạch cắt giảm mua trái phiếu. Sự giảm tốc của chương trình mua trái phiếu được coi là chỉ báo trước của lãi suất tăng, tuy tuần trước Chủ tịch Jerome Powell nhấn mạnh rằng hai sự kiện này không liên quan đến nhau.

Bà Sonders nhận định Fed sẽ dựa vào những dữ liệu kế tiếp để ra quyết định. Điều đó làm cho diễn biến của COVID-19 và tác động của nó đối với nền kinh tế trở thành yếu tố quan trọng.

"Điểm mấu chốt là thị trường vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào COVID-19", bà Sonders kết luận.

Trở về bình thường?

Tháng 9 cũng được trông đợi là thời điểm mà người Mỹ sẽ thấy cuộc sống trở lại bình thường khi trẻ em quay lại trường lớp. Tình trạng thiếu hụt việc làm được kỳ vọng sẽ dịu đi vào tháng 9 khi các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi đến trường tái gia nhập lực lượng lao động và trợ cấp thất nghiệp bổ sung hết hạn.  

Tuy nhiên, sự lan rộng của biến thể Delta đã tạo ra nhiều bất ổn xung quanh nền kinh tế. Một số công ty đã lùi ngày mở cửa trở lại. Doanh nghiệp từ nhà bán lẻ cho đến nhà hàng đang chứng kiến lưu lượng khách hàng sụt giảm do lo sợ virus lây lan.

Ông Julian Emanuel, Giám đốc đầu tư cổ phiếu của BITG cho biết: "Niềm tin của người tiêu dùng đã đảo lộn".

Giám đốc Sonders của Charles Schwab dự đoán Fed sẽ là tâm điểm chính của thị trường trong tháng 9, nhưng COVID-19 cũng có thể là yếu tố tiềm năng.

"Tôi nghĩ việc học sinh quay lại trường không chỉ là yếu tố có khả năng tác động đáng kể đến thị trường. Chúng ta sẽ thấy liệu nước Mỹ có khả năng mở cửa trường học mà không để tình hình xấu hẳn đi tại một số bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp hay không. Đây rõ ràng là rủi ro COVID-19 đã được lên lịch sẵn".

Ông Emanuel thì cho biết thị trường sẽ mong muốn Fed tiếp tục thúc đẩy kế hoạch giảm thiểu khối lượng trái phiếu mua vào.

"Có thể lần này, thị trường sẽ muốn Fed công bố lộ trình thắt chặt chính sách. Vì nếu không có thông báo nào thì có thể có nghĩa là Fed biết tác động của virus lên nền kinh tế và thị trường lao động xấu hơn mọi người tưởng".

Các rủi ro khác trong tháng 9 bao gồm dữ liệu lạm phát. Chỉ số CPI sẽ được công bố vào 14/9. Nếu lạm phát tiếp tục lên cao, lợi suất trái phiếu Kho bạc có thể đi lên, gây tác động xấu tới cổ phiếu.

Ông Emanuel cho biết thị trường cũng đang để mắt đến bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc khi nào Mỹ chạm trần nợ. Nhà đầu tư cũng chờ đợi số phận của dự luật cơ sở hạ tầng nghìn tỷ USD.

Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan cũng lởn vởn quanh thị trường như một yếu tố rủi ro. Chuyến bay sơ tán cuối cùng đã rời khỏi Kabul ngày 30/8. Ông Emanuel nói: Sự kiện này đã kết thúc nhưng hậu quả chính trị có thể kéo dài, đặc biệt là nếu có dấu hiệu bất ổn gia tăng trong khu vực".

Ông Emanuel đang chờ đợi một đợt bán tháo lớn trong thời gian tới, và tháng 9 và tháng 10 thường là khoảng thời gian đầy biến động. Ông khuyên nhà đầu tư phòng vệ cho danh mục bằng quyền chọn.

Giang

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.