|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ đánh mất đà tăng, Dow Jones đóng cửa trong sắc đỏ dù có lúc vọt lên hơn 900 điểm

07:11 | 08/04/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 7/4 có mở đầu khởi sắc nhưng cuối cùng đóng cửa dưới tham chiếu khi nhà đầu tư đánh giá những thông tin mới nhất về tình hình đại dịch COVID-19.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kết phiên giảm 26 điểm, tương đương 0,1%, xuống còn 22.654 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số này tăng tới 937 điểm (hay 4,1%).

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Compoosite có lúc tăng hơn 3% nhưng kết phiên giảm 0,2-0,3%.

Chứng khoán Mỹ đánh mất đà tăng, Dow Jones đóng cửa trong sắc đỏ dù có lúc vọt lên hơn 900 điểm - Ảnh 1.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones phiên 7/4: Mở đầu khởi sắc nhưng đóng cửa dưới tham chiếu. Nguồn: CNBC.

Trước đó vào phiên 6/4, thị trường chứng khoán Mỹ đã ghi nhận phiên hồi phục mạnh mẽ từ đà giảm sâu của tuần trước. Các chỉ số chính đều bật tăng hơn 7%.

Một số nhà đầu tư cho rằng giá cổ phiếu đang diễn biến quá lạc quan so với thực tế là các biện pháp phong tỏa để kiểm soát COVID-19 nhiều khả năng sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế vào quí II. Tính từ đáy ngày 23/3, các chỉ số đã hồi phục khoảng 20%.

Ông David Kostin, Giám đốc chiến lược đầu tư cổ phiếu tại Goldman Sachs nhận định: "Ở vị trí của thị trường hiện nay, rủi ro lao dốc lớn hơn là cơ hội đi lên. Tôi phải nhắc lại cho các nhà đầu tư biết rằng trong quí IV/2008 có rất nhiều đợt hồi phục, tôi gọi chúng là hồi phục trong thị trường gấu. Có những đợt tăng tới 20% nhưng rồi thị trường vẫn giảm tiếp và phải đến tháng 3/2009 mới thấy đáy".

Chứng khoán Mỹ đánh mất đà tăng, Dow Jones đóng cửa trong sắc đỏ dù có lúc vọt lên hơn 900 điểm - Ảnh 2.

Chỉ số S&P 500 giảm sâu dưới đường trung bình động 200 ngày và còn một chặng đường dài trước khi lấy lại đỉnh cũ, kết phiên 7/4 ở 2.659 điểm. Nguồn: CNBC.

Đầu phiên 7/4, thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến tích cực khi nhà đầu tư đón nhận thông tin lạc quan về dịch COVID-19.

Tại Mỹ, số ca nhiễm mới những ngày gần đây có vẻ đã giảm đi so với những ngày trước. Hôm 7/4, Thống đốc Andrew Cuomo của tâm dịch New York cho biết bang này mới có thêm 731 ca tử vong trong một ngày – mức tăng cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên số ca phải nhập viện tại New York đã chậm lại.

Trong một buổi họp báo, ông Cuomo cho rằng số ca tử vong là một chỉ báo trễ của số ca nhập viện vì thông thường sau khi nhập viện phải vài ngày thì những bệnh nhân nặng mới qua đời. Do vậy việc số ca tử vong hiện nay cao có một phần nguyên nhân là do số ca nhập viện những ngày trước đây lớn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6/4 cũng lạc quan tuyên bố rằng ông đã thấy "ánh sáng mạnh mẽ ở cuối đường hầm" trong cuộc chiến chống COVID-19.

Tại châu Âu, hai điểm nóng lớn nhất là Italy và Tây Ban Nha cũng bắt đầu nhận thấy số ca nhiễm mới đã giảm đi.

Tại châu Á, Hàn Quốc có ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận chưa tới 50 ca nhiễm mới. Hôm 6/4, Trung Quốc lần đầu tiên kể từ tháng 1 không ghi nhận ca tử vong nào vì COVID-19.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Mỹ hiện vẫn là quốc gia bị đại dịch tấn công dữ dội nhất với 396.000 ca xét nghiệm dương tính (đứng đầu thế giới) và hơn 12.700 trường hợp tử vong (chỉ sau Italy và Tây Ban Nha).

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đang ở trong vùng thị trường gấu, S&P 500 thấp hơn khoảng 20% so với đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 2. Theo CNBC, nhiều nhà đầu tư cho rằng giá cổ phiếu vẫn chưa phản ánh đầy đủ nguy cơ lợi nhuận doanh nghiệp quí I sụp đổ do các biện pháp phong tỏa làm đóng băng mọi hoạt động kinh tế.

Ông Alex Chalekian, CEO công ty tư vấn đầu tư Lake Avenue Financial nhận định: "Điều mà tôi lo lắng nhất bây giờ là làm sao để tránh một cuộc suy thoái. Nếu S&P 500 có rớt về còn 2.000 điểm thì tôi cũng không ngạc nhiên".

"Chúng tôi sẽ trông thấy những cơ hội và chúng tôi sẽ tận dụng chúng. Tuy nhiên trong thời gian này, không việc gì phải vội vã nhảy vào thị trường", ông Chalekian nói thêm.

Song Ngọc