Chứng khoán Mỹ có tuần tăng mạnh nhất hơn 6 tháng
Chỉ số S&P 500 giảm 1 điểm, kết phiên 6/11 ở 3.509 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite và trung bình công nghiệp Dow Jones cũng đóng cửa giảm lần lượt 0,1% và 0,2%.
Năng lượng và tài chính là các nhóm cổ phiếu diễn biến tiêu cực nhất trong chỉ số S&P 500 khi mất lần lượt 2,1% và 0,8%. UnitedHealth dẫn đầu đà giảm của Dow Jones khi sụt 2%.
Ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden đang bỏ xa Tổng thống Trump về số phiếu đại cử tri. Tại 6 bang chưa có kết quả, ông Biden cũng dẫn trước về số phiếu phổ thông ở 4 bang là Georgia, Pennsylvania, Nevada và Arizona. Ứng viên Đảng Dân chủ tự tin rằng chiến thắng cuối cùng sẽ về tay mình.
Phe ông Trump chưa thừa nhận thất bại và tuyên bố phát động một cuộc chiến pháp lí kéo dài để giành lấy chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Bất chấp việc chưa có kết quả bầu cử rõ ràng, Phố Wall vẫn ghi nhận tuần đi lên mạnh mẽ nhất kể từ tháng 4 trở lại đây. Theo CNBC, S&P 500 và Nasdaq Composite vọt lên lần lượt 7,3% và 9%, Dow Jones tăng 6,9%. Đây cũng là tuần bầu cử mà S&P 500 tăng mạnh nhất kể từ năm 1932 trở lại đây.
Các chuyên gia Phố Wall cho rằng việc Đảng Cộng hoà giành chiến thắng trong một số cuộc bầu cử Thượng viện đã làm giảm khả năng Đảng Dân chủ kiểm soát cả Nhà Trắng lẫn Quốc hội, tức là thuế và các biện pháp quản lí sẽ khó tăng lên hơn. Kì vọng này được coi là lí do giúp thị trường chứng khoán tuần qua tăng mạnh.
Tuy nhiên hiện nay Đảng Cộng hoà vẫn chưa thắng đủ ghế để chiếm đa số tại Thượng viện. Còn ở Hạ viện, Đảng Dân chủ vẫn đang giữ ưu thế.
CNBC dẫn lời ông Dan Eye, Giám đốc phân bổ tài sản và nghiên cứu cổ phiếu tại Fort Pitt Capital Group nhận xét: "Thị trường ngày càng cảm thấy thoả mãn với việc chính phủ chia rẽ [không đảng nào kiểm soát cả Nhà Trắng lẫn Quốc hội]. Tình hình chính trị tiếp tục bế tắc và sẽ không có thay đổi lớn về chính sách thuế".
Cuối năm 2017, Tổng thống Trump kí thông qua đạo luật giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% về còn 21%. Ứng viên Joe Biden đã tuyên bố rằng nếu đắc cử, ông sẽ nâng thuế suất lên thành 28%.
Việc không đảng nào kiểm soát cả Nhà Trắng lẫn Quốc hội cũng khiến cho các bên khó thông qua được một dự luật mới để cứu trợ nền kinh tế. Gói cứu trợ cũ đã hết hạn từ tháng 7 và các cuộc đàm phán đều đi vào ngõ cụt.
Trong một diễn biến khác, Bộ Lao động Mỹ ngày 6/11 cho biết tỉ lệ thất nghiệp của nước này giảm từ 7,9% trong tháng 9 xuống còn 6,9% trong tháng 10. Số liệu này khả quan hơn dự báo 7,7% của các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát. Nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 638.000 việc làm trong tháng trước, cao hơn con số 530.000 mà các nhà kinh tế kì vọng.