Chứng khoán Mỹ bước vào những thời khắc quyết định cuối cùng của năm 2023
Cơ hội và thách thức
Tuần này, các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ sẽ đón nhận một loạt dữ liệu và sự kiện quan trọng. Đầu tiên, họ sẽ nhận được báo cáo lạm phát tháng 11 vào ngày 12/12. Một ngày sau, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố quyết định lãi suất, qua đó định hình nền kinh tế và thị trường chứng khoán trước thềm năm 2024.
Thị trường đang đồn đoán rằng Fed đã hoàn thành chiến dịch tăng lãi suất và sẽ bắt đầu giảm chi phí đi vay vào giữa năm sau. Điều này đã đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi xuống và kích thích tâm lý ưa chuộng rủi ro của các nhà đầu tư.
Tờ Bloomberg cho biết vốn hóa các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 4.000 tỷ USD kể từ cuối tháng 10. Cổ phiếu vốn hóa nhỏ được ưa chuộng trở lại, một phần là do chúng thường được hưởng lợi khi lãi suất hạ nhiệt.
Ông Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư tại Independent Advisor Alliance, dự đoán: “Chứng khoán đang đi lên dựa trên tâm lý lạc quan rằng Fed đã tăng lãi suất xong. Định giá của cổ phiếu vẫn ở mức hợp lý khi xét đến mức giảm đáng kể của lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm kể từ giữa tháng 10. Có vẻ như thị trường sẽ tiếp tục đà tăng khi chúng ta bước vào năm 2024”.
Dữ liệu quan trọng nhất của thị trường trong ngày 12/12 là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11. Các dấu hiệu cho thấy lạm phát hạ nhiệt có thể tạo đà tăng cho chứng khoán trong những ngày cuối năm khi số liệu giúp củng cố kỳ vọng là Fed sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo khảo sát của Bloomberg, lạm phát giá tiêu dùng tháng 11 được kỳ vọng đạt 3,1%, mức thấp nhất kể từ tháng 6.
Ngày kế tiếp, Fed được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách thứ ba liên tiếp. Các nhà đầu tư cũng sẽ đặc biệt chú ý tới biểu đồ “dot plot” thể hiện kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách về lãi suất trong năm 2024 cũng như cuộc họp báo của Chủ tịch Jerome Powell.
Rủi ro hiện nay là nền kinh tế quá ổn định khiến lạm phát duy trì ở mức cao. Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách có thể cân nhắc thêm một đợt tăng lãi suất nữa hoặc duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến của thị trường. Viễn cảnh này có tác động tiêu cực đến các cổ phiếu công nghệ đã giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán trong năm 2023.
Giám đốc Zaccarelli bình luận: “Những gì Chủ tịch Powell nói trong cuộc họp báo tới có thể thay đổi suy nghĩ của nhà đầu tư, đặc biệt là nếu ông sử dụng giọng điệu diều hâu hơn những gì thị trường dự kiến”.
Chỉ số S&P 500 đã tăng gần 20% trong năm nay và kết phiên 8/12 ở mức cao nhất kể từ tháng 3/2022. Giới đầu tư hy vọng rằng nếu lợi suất trái phiếu vẫn giữ xu hướng đi xuống, cổ phiếu sẽ tăng giá trên diện rộng trong những ngày cuối năm. Kể từ ngày 19/10, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã giảm từ mức gần 5% xuống khoảng 4,2%. Trong giai đoạn này, chỉ số S&P 500 tiến lên gần 8%.
Yếu tố lợi suất
Lịch sử cho thấy việc lợi suất trái phiếu giảm mạnh thường có lợi cho thị trường chứng khoán. Theo dữ liệu do Bloomberg Intelligence tổng hợp, tính từ năm 1980 đến nay, nhà đầu tư đã chứng kiến 33 trường hợp lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm 50 điểm cơ bản hoặc hơn trong vòng một tháng. Lợi nhuận trung vị của chỉ số S&P 500 và Russell 2000 trong ba tháng kế tiếp lần lượt là gần 8% và 8,2%.
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang mạnh tay mua vào cổ phiếu, hòa chung không khí lạc quan của thị trường. Họ mua 6,8 tỷ USD cổ phiếu Mỹ trong tuần tính đến ngày 6/12, theo dữ liệu từ nhà phân tích Peng Cheng của JPMorgan. Đây là dòng tiền vào lớn nhất kể từ tháng 3/2022, khi Fed khởi động chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, nhiều nhà quản lý quỹ theo phong cách chủ động từng bỏ lỡ đà phục hồi của thị trường trong khoảng đầu năm 2023 cũng đang cố gắng bắt kịp trước khi hết năm, càng giúp củng cố động lực của chứng khoán Mỹ.
Ông Vincent Deluard, Giám đốc chiến lược vĩ mô toàn cầu tại StoneX, chỉ ra rằng hồi đầu năm 2023, nhiều nhà đầu tư đã dự đoán Mỹ sẽ gặp suy thoái. Ông nhận xét: “Rất nhiều người đã đoán sai hoàn toàn về năm 2023”.