Chứng khoán Mỹ 14/11: Dow Jones mất hơn 200 điểm, S&P 500 giảm phiên thứ 5 liên tiếp
Chứng khoán Mỹ 13/11: Thị trường đóng cửa trong sắc đỏ dù tín hiệu thương mại tích cực |
Cụ thể, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.701,58 điểm, giảm 0,76% so với phiên trước. Đây là phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp của chỉ số này, đồng thời đưa chỉ số này về mức thấp hơn đầu tháng 11.
Chỉ số Dow Jones giảm 206 điểm còn 25.080,5 điểm. So với mức đỉnh của ngày, chỉ số này đóng cửa giảm hơn 400 điểm.
Chỉ số Nasdaq mất 0,9%, đóng cửa ở 7.136,4 điểm.
Diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ ngày 14/11. Nguồn: Bloomberg. |
Cổ phiếu Apple mất giá 2,8% và đã có lúc giao dịch thấp hơn 20% so với đỉnh lịch sử, khẽ chạm vào vùng giá xuống. Diễn biến tiêu cực này xảy ra sau khi công ty tư vấn đầu tư tài chính Guggenheim Partners hạ bậc tín nhiệm cổ phiếu Apple còn ngân hàng UBS thì cắt giảm dự báo doanh số iPhones.
Gần đây các nhà đầu tư đã bắt đầu lo lắng doanh số bán iPhones của Táo khuyết sẽ chậm lại trong tương lai gần. Đóng cửa phiên 14/11, cổ phiếu Apple đang giảm 19,9% so với đỉnh lịch sử thiết lập đầu năm nay.
Quỹ ETF SPDR S&P Bank (KBE) giảm 1,9% dù đầu phiên tăng, sau khi Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Maxine Waters nói những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump trong việc hạn chế kiểm soát ngành ngân hàng “sẽ đi đến hồi kết”. Cổ phiếu Goldman Sachs, J.P.Morgan Chase và Citigroup cùng giảm điểm. Ông Waters là người được kì vọng sẽ tiếp quản chức Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ Viện.
Ông Robert Pavlik, Giám đốc chiến lược đầu tư tại SlateStone Wealth nhận định “Tôi tin rằng những gì thị trường chứng khoán đang trải qua là sự kéo dài của áp lực bán bắt đầu hồi đầu tháng 10. Nếu các nhà đầu tư không hiểu lí do thực sự đằng sau sự bán thảo này là gì, nhân tố nào đã gây ra nó thì sẽ có tâm lý ngại mua vào, dẫn tới tư tưởng không muốn nắm giữ cổ phiếu, đặc biệt là khi mức biến động và áp lực bán gia tăng”.
Tâm lý nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng xấu bởi tuyên bố của Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Bill Pascrell. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Pascrell cho biết thỏa thuận thương mại mới được cập nhật giữa Mỹ, Canada và Mexico cần được điều chỉnh trước khi có thể được Quốc hội thông qua.
Đầu phiên giao dịch, các chỉ số đều tăng điểm trong bối cảnh giá dầu tăng 1% sau khi giảm 7% phiên trước đó, tạm thời xoa dịu nhà đầu tư đang lo lắng thị trường dầu có thể sụp đổ. Đây là phiên tăng đầu tiên của giá dầu thô trong 13 phiên gần đây. Giá dầu liên tục chịp áp lực giảm do lo ngại cung vượt cầu.
Ngay cả thông tin đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc được nối lại cũng không giúp cải thiện tâm lý thị trường khi các nhà đầu tư dõi theo diễn biến đáng lo ngại của thị trường dầu thô.