|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chứng khoán Dầu khí yêu cầu Novaland khắc phục việc không thanh toán lô trái phiếu 1.000 tỷ

10:22 | 15/02/2023
Chia sẻ
Lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng do Novaland phát hành vào ngày 12/8/2021. Đây là khoản huy động do PSI tư vấn, đồng thời là tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu và đại lý quản lý tài sản bảo đảm.

Ngày 14/2, CTCP Chứng khoán Dầu Khí (PSI) gửi văn bản về việc thanh toán gốc lãi trái phiếu NVLH2123009 đến CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) trong vai trò tổ chức phát hành, CTCP NovaGroup (bên bảo đảm), CTCP Chứng khoán Navibank (đại lý lưu ký và thanh toán) và người sở hữu trái phiếu.

Khoản b, Điều 8 các Điều khoản và Điều kiện của trái phiếu có quy định về sự kiện không thanh toán: “Tổ chức phát hành không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ và/hoặc đúng hạn bất kỳ khoản tiền gốc và/hoặc tiền lãi nào của bất kỳ trái phiếu nào vào ngày đến hạn thanh toán khoản tiền gốc hoặc tiền lãi đó; và vi phạm đó không được khắc phục trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày đến hạn thanh toán.”

Theo thông tin PSI nhận được từ công văn số 21/2023/NVS/CV-LK của Chứng khoán Navibank gửi đến Novaland ngày 13/2, tính đến 17 giờ cùng ngày, Chứng khoán Navibank vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán gốc, lãi từ Novaland để thanh toán cho người sở hữu trái phiếu.

Căn cứ các Điều khoản và Điều kiện của trái phiếu có quy định về sự kiện không thanh toán, PSI yêu cầu Novaland nghiêm túc thực hiện các cam kết theo Văn kiện trái phiếu, khắc phục vi phạm không thanh toán theo quy định tại Điều khoản và Điều kiện trái phiếu, Hợp đồng Đại lý lưu ký và thanh toán.

“Sau thời gian khắc phục vi phạm mà đại lý lưu ký và thanh toán vẫn không nhận được đầy đủ tiền gốc, tiền lãi và các khoản phạt có liên quan (nếu có), đại diện người sở hữu trái phiếu sẽ gửi thông báo tuyên bố sự kiện vi phạm và thực hiện thủ tục xóa giao dịch bảo đảm và thủ tục xử lý tài sản bảo đảm được quy định tại các Điều khoản và Điều kiện trái phiếu cùng các văn kiện trái phiếu khác có liên quan”, công văn của PSI nêu.

Đồng thời, PSI yêu cầu Novaland đưa ra các giải pháp cụ thể để khắc phục về sự kiện không thanh toán cho các trái chủ trước 17 giờ ngày 15/2 và cung cấp đầu mối cụ thể để làm việc với những người sở hữu trái phiếu trước 15 giờ ngày 16/2.

(Nguồn: HNX).

Lô trái phiếu NVLH2123009 có tổng giá trị 1.000 tỷ đồng do Novaland phát hành vào ngày 12/8/2021 và đáo hạn vào ngày 12/2/2023 (kỳ hạn 18 tháng), có lãi suất cố định 10,5% mỗi năm và 6 tháng trả lãi một lần, được bảo đảm bằng cổ phần Novaland thuộc sở hữu của bên thứ ba.

Mục đích phát hành để Novaland tăng quy mô vốn hoạt động, qua đó thực hiện góp vốn, hợp tác đầu tư phát triển dự án Khu đô thị tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và các dự án khác.

Theo thông tin công bố, trái chủ của lô trái phiếu nói trên gồm ba doanh nghiệp chiếm 67,79%: Doanh nghiệp A (49,9%), doanh nghiệp B (1,09%), doanh nghiệp C (16,8%); còn lại là các nhà đầu tư cá nhân chiếm 32,21%. Trong số ba doanh nghiệp có một công ty chứng khoán nắm giữ 7,14% giá trị trái phiếu được phát hành.

Đây là khoản huy động do PSI tư vấn, đồng thời là tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu và đại lý quản lý tài sản bảo đảm.

Trước đó vào cuối tháng 12 năm ngoái, PSI từng ra thông báo sự kiện vi phạm nghĩa vụ lô trái phiếu NVLH2123014 do Novaland phát hành. Theo phản hồi của Novaland, thông báo này “chưa phù hợp với các quy định tại các Văn kiện trái phiếu có liên quan và đang trong quá trình làm việc để yêu cầu PSI gỡ bỏ thông báo. Hai bên cũng tích cực làm việc cùng nhau để đưa ra các phương án phù hợp, đảm bảo quyền lợi của các trái chủ”.

Tính đến ngày 31/12/2022, Novaland ghi nhận dư nợ ba lô trái phiếu với tổng giá trị 3.500 tỷ đồng do PSI tư vấn, bao gồm lô 1.000 tỷ đồng đáo hạn tháng 2/2023; lô 1.000 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 5/2023 và lô dài hạn 1.500 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 3/2024.

Nguyên Ngọc

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.