Chứng khoán An Bình: Hạn mức margin dần cạn, TTCK nghiêng về kịch bản điều chỉnh trong tháng 4
Hạn mức margin gần cạn, tâm lý chốt lời gia tăng sau nhiều tháng thị trường liên tục tăng điểm
Báo cáo chiến lược mới đây của Chứng khoán An Bình (ABS - Mã: ABW), thị trường chứng khoán (TTCK) bước vào tháng 4 với nhiều thông tin kém tích cực.
Trong nước, bất chấp các số liệu kinh tế quý I tích cực bao gồm tăng trưởng GDP, FDI, xuất nhập khẩu cao hơn kỳ vọng…, các yếu tố tiền tệ giá cả đang diễn biến ngược chiều. Cụ thể, lạm phát quay trở lại với CPI tháng 2 và tháng 3 tăng lên mức cao, gần 4% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng dù có cải thiện nhẹ nhưng vẫn còn yếu trong bối cảnh số liệu PMI cho thấy sản xuất thu hẹp trở lại.
Ngoài ra, chênh lệch lãi suất giữa USD và VND vẫn ở mức cao khiến tỷ giá VND/USD tiếp tục tăng bất chấp việc NHNN đã chủ động phát hành hơn 170.000 tỷ đồng tín phiếu trên thị trường mở. Lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn đã bật tăng, một số ngân hàng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Giá vàng trong nước tiếp tục nhảy vọt do tác động kép của cả giá vàng quốc tế và tỷ giá.
Theo ABS, kết quả kinh doanh quý I/2024 toàn thị trường tăng khoảng 6,5% so với cùng kỳ. Các thông tin Đại hội đồng cổ đông sẽ hỗ trợ thị trường trong tháng 4.
Tuy nhiên, định giá P/E quá khứ của VN-Index cao hơn mức tại đỉnh VN-Index đạt được tháng 9/2023, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư đã đi trước tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong khi đó hạn mức cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán đang dần cạn kiệt và tâm lý chốt lời gia tăng sau 5 tháng thị trường liên tiếp tăng điểm.
Dòng tiền nội dự kiến vẫn là lực cầu chủ đạo của thị trường trong bối cảnh lãi suất thấp, trong khi khối ngoại sẽ còn rút vốn khi chênh lệch lãi suất USD - VND ở mức cao.
ABS ước tính các ngành chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp, bất động sản, thép, bán lẻ, ngân hàng… sẽ có tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với thị trường chung.
VN-Index có thể điều chỉnh xuống dưới 1.200 điểm
Về mặt kỹ thuật, VN-Index đã trải qua quá trình tăng điểm kéo dài tổng cộng 16 tháng với hơn 400 điểm, có 3 nhịp tăng. Ở nhịp tăng thứ ba lần này, thị trường chung kéo dài đà tăng từ tháng 11/2023 đến cuối tháng 3/2024 với tổng cộng tăng 240 điểm trong thời gian 21 tuần và tiệm cận vùng đỉnh tháng 9/2023.
Như vậy, thị trường đã tăng đủ thời gian và cạn biên độ. Các cổ phiếu tăng mạnh thời gian dài vừa qua cũng đã cho thấy sự chững lại.
Yếu tố khối lượng giao dịch đạt mức rất cao so với vùng đỉnh khối lượng trước đó. Dòng tiền cho thấy sự suy yếu từ việc khối ngoại, tự doanh và tổ chức trong nước cùng bán ròng từ đầu tháng 3 đến nay, trong khi nhà đầu tư cá nhân mua ròng với giá trị tương đương 16.000 tỷ đồng.
Do đó, ABS cho rằng thị trường bước vào tháng 4 với những khó khăn bất định, VN-Index có thể có những pha điều chỉnh bất ngờ.
Trong ngắn hạn, VN-Index tiến vào vùng rủi ro là vùng kháng cự mạnh trung hạn tháng 9/2023. Động lượng tăng suy yếu dần, thể hiện qua dấu hiệu phân kỳ giữa giá và khối lượng giao dịch. Trong trung hạn, VN-Index đã trải qua 21 tuần tăng với 275 điểm, tiến vào vùng rủi ro.
ABS dự báo VN-Index có thể đi vào vùng rủi ro điều chỉnh ngắn hạn trong tháng 4 về các mốc hỗ trợ dưới đây.
Với kịch bản này, ABS cho rằng việc quản trị danh mục và quản trị giá trị tài sản ròng (NAV) nên được ưu tiên trong tháng 4. Nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng các vị thế ngắn hạn và trung hạn, đưa các mức cắt lỗ về điểm mua hòa vốn, đồng thời hạ mức lợi nhuận kỳ vọng từ giao dịch cổ phiếu.
Trong quá trình thị trường điều chỉnh là cơ hội đối với những ngành và cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý I tích cực và đang có tín hiệu tích lũy theo mô hình trên biểu đồ tuần.
Kịch bản thứ hai với xác suất thấp hơn, thị trường tích cực giao dịch trong biên độ hẹp 1.230 – 1.280 điểm với trạng thái tích lũy. Nhà đầu tư ưu tiên giao dịch ngắn hạn với nhịp đi lên tiếp theo tới vùng 1.315 - 1.350 điểm trong tháng 4. Tuy nhiên, trường hợp chỉ số tiếp tục đi lên vùng 1.315 - 1.350 điểm là nhịp lên không bền vững với nhiều rủi ro hơn cơ hội.