VDSC: Áp lực tỷ giá vẫn cao, NĐT nên giữ vị thế phòng thủ trong tháng 4
Báo cáo chiến lược tháng 4 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), những thông điệp chính trong cuộc họp của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vào tháng 3 đều hàm ý cắt giảm là điều sẽ xảy ra trong năm nay. Tuy nhiên, câu hỏi khi nào cắt giảm, bên nào bước đi trước, với tốc độ như thế nào là điều đang được giới đầu tư cân đong đo đếm.
Trong kịch bản cơ sở, Fed, ECB, BOE sẽ cắt giảm lần đầu vào tháng 6. Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của khối châu Âu cho thấy vẫn có khả năng BOE và ECB sẽ cắt giảm lãi suất trước.
Kết hợp với việc tăng lãi suất chậm và việc giữ nguyên chương trình tài trợ trái phiếu chính phủ của ngân hàng trung ương Nhật Bản khiến cho dòng vốn ngoại vẫn sẽ tiếp tục neo trú vào đồng USD và các tài sản khác niêm yết bằng đồng USD ít nhất cho đến khi Fed cắt lãi suất lần đầu tiên.
“Điều này khiến cho đoạn đường cuối trước khi bước sang một chu kỳ mở rộng mới trở nên gồ ghề hơn bởi những bước chuyển bất ngờ của tỷ giá. Tỷ giá có thể tăng mạnh nếu như có sự lệch pha kể trên và khiến dòng vốn ngoại có thể rút ròng mạnh hơn trong một khoảng thời gian.”, VDSC cảnh báo.
Thị trường chứng khoán tháng 4 sẽ lại sội động với mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I, bên cạnh những thông tin về định hướng kinh doanh trong các sự kiện đại hội cổ đông thường niên của công ty niêm yết.
Về lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn HOSE trong quý I, VDSC ước tính mức tăng trưởng đạt khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Về thanh khoản thị trường, sự bùng nổ trong tháng 3 kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới và chủ yếu dẫn dắt bởi nhóm nhà đầu tư trong nước, khi mức lãi suất thực đang tiệm cận ngưỡng 0%, nhờ vào các đợt cắt giảm lãi suất có kỳ 12 tháng trở lên vẫn tiếp diễn kể từ đầu năm.
Với mức P/E 14,9 lần hiện tại, định giá tương đối sát với P/E mục tiêu 15x lần cho VN-Index mà VDSC đã đề ra trong báo cáo chiến lược năm 2024. Giả định kết quả kinh doanh quý I phù hợp với dự phóng đã đề cập, lợi nhuận sau thuế 12 tháng toàn thị trường có thể ghi nhận mức tăng 2% so với quý trước. Điều này hàm ý P/E thị trường sẽ điều chỉnh giảm và điểm số thị trường có thể tăng về quay trở lại mức P/E mục tiêu với một mức tương ứng là 2% tại điểm số đóng cửa tháng 3.
Tuy nhiên, tỷ giá hiện tại vẫn rất áp lực. Tỷ giá đã gần sát ngưỡng với mức Ngân hàng Nhà nước can thiệp 25.200 VND đổi 1 USD. Nhóm phân tích nhận thấy rằng tâm lý thị trường thường biến động mạnh trong nhưng lúc tỷ giá có biến chuyển lớn.
Với các yếu kéo và đẩy kể trên, VN-Index được kỳ vọng sẽ biến động trong biên độ hẹp 1.220-1.320 trong tháng 4.
Dự kiến dòng tiền còn khá dồi dào trên thị trường, VDSC cho rằng phần lớn thời gian của tháng 4 sẽ diễn ra các phiên “đỏ vỏ, xanh lòng”. Các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua có thể sẽ dao động trong biên độ hẹp và là yếu tố duy trì chỉ số thị trường, trong khi các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sẽ có mức tăng giá tốt hơn.
Mặc dù vậy, đây là cơ hội ngắn hạn nên nhà đầu tư chỉ dành một tỷ trọng nhất định để giao dịch nhóm cổ phiếu này. Danh mục tổng thể nhìn chung nên được đưa về trạng thái an toàn, theo hướng giảm mức sử dụng đòn bẩy và chốt lời khi cổ phiếu nắm giữ đã đạt mức lợi nhuận tốt.
Với mức nền thấp của năm 2023, các thông tin về kế hoạch 2024 cũng như kết quả kinh doanh quý I nhìn chung sẽ tích cực so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, sự tích cực này là không ngoài kỳ vọng và đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Diễn biến tỷ giá là yếu tố nhà đầu tư cần quan sát chặt chẽ hơn. Đặc biệt khi mà chỉ số đang neo ở vùng đỉnh của năm 2023 sau chuỗi dài tăng điểm, thông tin tiêu cực có thể gây áp lực lớn lên thị trường nhiều hơn là tác động hỗ trợ từ thông tin tích cực.
Các ý tưởng giao dịch tháng 4 của VDSC xoay quanh các doanh nghiệp có triển vọng lợi nhuận quý I tăng trưởng khả quan.