Chung cư cấm sạc xe điện ảnh hưởng thế nào đến tâm lý người tiêu dùng và nhà sản xuất?
23h đêm, Hoàng Oanh - một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, nhận được thông báo từ chủ trọ cho biết để đảm bảo an toàn cháy nổ, từ nay xe điện sẽ không được phép sạc/gửi tại hầm xe của toà nhà. “Ai vi phạm sẽ chấm dứt hợp đồng thuê nhà”, thông báo viết.
Oanh chỉ là một trong nhiều người đang dùng xe điện lo lắng về việc các khu chung cư, toà nhà siết chặt quy định sạc và dùng xe điện.
Khánh Nguyễn, cư dân một khu chung cư ở quận 6, TP HCM cho biết: “Lúc đầu chung cư vẫn cho sạc xe điện dưới hầm, nhưng giờ thì cấm hẳn. Nguyên nhân là bởi thiết kế được duyệt không có chỗ cho sạc xe dưới hầm”.
Giải pháp của Khánh cũng như nhiều cư dân khác là mang xe lên tận phòng để sạc. Điều này đã gây ra không ít phiền toái nhưng “không còn cách nào khác”.
Ban quản trị một chung cư tại Hà Đông (Hà Nội) mấy ngày nay vẫn đang loay hoay với số xe điện gửi dưới hầm. Cư dân không dùng xe điện yêu cầu toà nhà không nhận xe gửi, trong khi một số khác đề xuất cấm sạc xe điện sau 12h đêm mỗi ngày và có bảo vệ giám sát.
“Quy định chỉ được sạc trước 12h đêm cũng khó vì xe đắt tiền có thể sạc nhanh nhưng nếu xe giá rẻ như của chúng tôi thì phải mất 7-8 tiếng để sạc đầy. Trong khi đi làm tối về muộn thì mốc thời gian đó là không đủ”, anh Lê Hoàn, một cư dân có xe điện cho hay.
Những phản ứng có phần tiêu cực đối với xe điện kể trên xuất phát từ thông tin chưa rõ ràng về vụ cháy chung cư mini xảy ra tại Khương Hạ, Thanh Xuân vừa qua. Đến nay cơ quan chức năng chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân vụ cháy.
Tuy nhiên, những thông tin không có căn cứ lan truyền trên mạng xã hội đang gây ra tâm lý lo lắng cho rất nhiều người, cả những người dùng xe điện lẫn những người không dùng xe nhưng sống chung toà nhà.
Hoàng Oanh cho biết cô mới ra trường, tích cóp mua được xe máy điện hồi đầu năm nay. Nếu chỗ trọ nào cũng cấm thì Oanh chỉ còn cách gửi xe về quê và đổi sang đi chiếc xe máy cũ chạy xăng của bố. Thuỳ Dung (Hà Nội) cũng đang rao bán chiếc xe Vespa điện vì chung cư không cho sạc xe tại hầm.
Đem vấn đề này đặt ra cho các doanh nghiệp phát triển xe điện tại Việt Nam, liệu các phản ứng cực đoan kể trên có tác động tới doanh số bán xe trong thời gian tới, đại diện một nhà sản xuất lớn chia sẻ với chúng tôi rằng họ không cảm thấy quá lo lắng.
“Tôi nghĩ mọi người đang hoang mang nên có phản ứng ban đầu như vậy. Tôi dự báo rằng nó chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhất thời và không kéo dài về sau”, đại diện một hãng xe điện chia sẻ.
Về vấn đề tâm lý người mua xe điện có bị ảnh hưởng sau vụ việc hay không, phía doanh nghiệp này nói rằng sẽ cần thời gian để đo lường, hiện chưa có đủ dữ liệu để đánh giá. Tuy nhiên, trước mắt doanh nghiệp cần có trách nhiệm làm rõ cho khách hàng hiểu về tính an toàn của sản phẩm.
Đơn vị kinh doanh xe điện chia sẻ rằng đối với các mẫu xe chính hãng, có tên tuổi, được cấp phép lưu hành thì đã phải vượt qua các bài kiểm tra về pin, cháy nổ rất nghiêm ngặt. Để bán một mẫu xe điện thương mại ra thị trường, xe cần đạt được nhiều tiêu chuẩn an toàn cho người dùng.
Lý giải trường hợp xe điện cháy nổ, nhà sản xuất cho biết nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu đến từ các dòng xe chất lượng thấp, chạy bằng bình ác quy không được bảo hành, bảo trì thường xuyên, xe chạy lâu năm. Điều này dẫn đến bộ phận ác quy xuống cấp, đường dây điện bị cũ, hở.
Nguyên nhân thứ hai đến từ việc người dùng sử dụng linh kiện không chính hãng, dùng đồ độ chế. “Với đồ điện, khi dùng linh kiện không cùng thông số với nhau sẽ xảy ra chênh lệch, biến áp và rò rỉ điện”, người này cho biết.
Thậm chí, nguyên nhân dẫn đến cháy nhiều nhất lại từ bộ dây sạc, khi người dùng sử dụng sạc không đúng chuẩn sẽ phát sinh cháy và lan sang các thiết bị khác.
“Đối với các hãng hoạt động, sản xuất xe tại Việt Nam như chúng tôi, vấn đề sản xuất một phần phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký đăng kiểm an toàn, thì chúng tôi cũng có các trung tâm bảo hành, bảo trì cho khách. Đây là những cách phòng tránh từ hãng, còn lại là do ý thức của người dùng”, phía công ty nhấn mạnh.
Hiện Việt Nam là nước có lượng xe máy điện hoạt động nhiều nhất khu vực Đông Nam Á với hơn 1 triệu chiếc. Mới đây, biên tập viên của tờ Nikkei nhận định, với hơn 70 triệu xe máy chạy xăng đang lưu hành, Việt Nam cũng có tiềm năng rất lớn để chuyển đổi những xe này sang xe điện.
Sử dụng xe điện cũng đang là xu hướng tại Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở ô tô điện, các hãng gọi xe công nghệ phổ biến như Grab, Be, Gojek đang tích cực hỗ trợ đối tác tài xế tại Việt Nam chuyển đổi sang sử dụng xe máy điện.