Chuẩn hóa chuỗi sản xuất nắm bắt cơ hội xuất khẩu
Những lợi thế về thuế sẽ tiếp tục mở ra với hàng nông sản khi Việt Nam đã và sẽ tham gia thêm nhiều Hiệp định Thương mại tự do. Thế nhưng, cơ hội cũng đi kèm với thách thức trước những quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật (SPS) ngày một cao của các đối tác nhập khẩu.
Điều này đòi hỏi hệ thống sản xuất nông sản Việt phải có sự chuẩn hóa trong toàn bộ chuỗi sản xuất để có thể tận dụng được những cơ hội từ thị trường mang tới.
Là địa phương có thế mạnh về quả vải và xuất khẩu chính sang thị trường Trung Quốc nhưng Bắc Giang cũng đang tập trung vào các thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, EU, Mỹ…
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang cho rằng, ngày càng có nhiều cơ hội hơn đối với ngành nông nghiệp của tỉnh khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Các quy định về SPS của các nước là yêu cầu và Việt Nam cần đáp ứng để mở ra cơ hội cho xuất khẩu nông sản. Điều này đòi hỏi hệ thống sản xuất phải nỗ lực ngay từ đầu để "làm thật, ăn thật", ông Lê Bá Thanh đánh giá.
EU đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu nông sản có tốc độ phát triển mạnh sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thực thi.
Tuy nhiên, chỉ tính riêng mặt hàng rau quả, Việt Nam mới xuất khẩu sang thị trường này mới chiếm khoảng 0,1% tổng lượng hàng rau quả nhập khẩu của EU và Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 43 trong những thị trường cung cấp hàng rau quả cho EU.
Do đó, vẫn còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp ngành hàng rau quả Việt Nam đẩy mạnh sang thị trường EU trong thời gian tới.
Trên thực tế, hàng nông sản xuất khẩu sang EU vẫn chưa đạt được sự đồng nhất về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật trong từng lô hàng, chưa đảm bảo các điều kiện về truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu của thị trường EU, không xâm nhập được vào thị trường này hoặc vào được thị trường xong bị trả lại…
Nhìn lại về một trong những nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia Liên minh châu Âu còn chưa đạt được kì vọng, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật cho rằng, các doanh nghiệp trong nước còn thiếu hiểu biết về thị trường, đặc biệt là các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật.
Thị trường EU đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc và các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm. Uỷ ban châu Âu (EC) vừa ban hành Quy định số 2022/1346 và 2022/1343 sửa đổi Phụ lục II và III của Quy định số 396/2005 liên quan đến mức dư lượng tối đa thuốc trừ sâu.
Quy định được áp dụng đối với các sản phẩm như: trái cây tươi và đông lạnh, các loại hạt, rau tươi và đông lạnh, dầu và trái cây có dầu, ngũ cốc, trà, cà phê, thảo dược…
Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.
Hay đối với thị trường Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh 248 về "Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài" và Lệnh 249 "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu" vào thị trường Trung Quốc.
Theo đó, tất cả các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm thực phẩm vào thị trường này đều phải đăng ký với Tổng cục Hải quan nước này để nhận mã số, sau đó mới được phép xuất khẩu.
Nhìn vào những thay đổi mạnh của thị trường Trung Quốc, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy đánh giá, suốt một thời gian dài thị trường Trung Quốc quá thuận lợi đã khiến nông dân ỷ lại. Khi Trung Quốc có những chế tài kiểm soát, trở thành thị trường khó tính, doanh nghiệp khác kêu khó nhưng Chánh Thu lại thấy mừng.
Thị trường Trung Quốc thay đổi sẽ là thời cơ để chúng ta áp dụng những chế tài kiểm soát, đồng nhất về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm nông sản Việt Nam. Từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã đến nông dân, toàn bộ chuỗi liên kết phải cùng vào cuộc để đặt ra tiêu chí, định vị sản phẩm sẽ sang thị trường nào, bán cho ai…?
Theo bà Ngô Tường Vy, mọi người thường nói thị trường Trung Quốc bấp bênh, không ổn định. Nhưng nếu doanh nghiệp tạo dựng được uy tín và thương hiệu với đối tác Trung Quốc, việc kinh doanh sẽ phát triển rất tốt.
Do vậy, quan trọng nhất là việc kiểm soát rủi ro. Doanh nghiệp Việt nên lấy lợi thế cạnh tranh về chất lượng. Nếu nông sản Việt có tính đồng đều về mẫu mã, chất lượng, người tiêu dùng sẽ đón nhận nhiều hơn và chúng ta sẽ xây dựng được thương hiệu nông sản quốc gia.
Xác định xuất khẩu thành công mỗi nông sản chính là việc khẳng định kỹ thuật canh tác cũng như chất lượng nông sản đối với bạn bè quốc tế. Ông Lê Bá Thành cho biết, để làm được điều đó, tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm đến hoàn thiện quy trình sản xuất để nông sản có chất lượng tốt nhất.
Mỗi sản phẩm chủ lực có tiềm năng xuất khẩu, tỉnh đều xây dựng đề án để hỗ trợ, tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ - xuất khẩu, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ. Đặc biệt, Bắc Giang luôn quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói nhằm minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Qua các cuộc kiểm tra trực tuyến về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc; hoàn thiện từ khâu quản lý, sản xuất, phòng trừ dịch hại, cũng như sơ chế, chế biến, đóng gói.
Ông Ngô Xuân Nam cũng cho rằng, để đáp ứng được các tiêu chuẩn, tuân thủ các quy trình theo chuẩn quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp phải điều chỉnh hoạt động sản xuất hoặc phương pháp sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến… kể cả trong quản lý để kiểm soát hiệu quả. Doanh nghiệp cần cập nhật và hiểu đúng các quy định của thị trường để tổ chức sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/