|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chưa đến 5% ngân hàng số (neobank) trên thế giới có lợi nhuận

13:20 | 08/07/2022
Chia sẻ
Theo thống kê, thế giới hiện có khoảng trên dưới 400 neobank đang hoạt động và con số này sẽ tiếp tục tăng lên.

Neobank là một trong những mảng miếng trong ngành công nghiệp fintechh (công nghệ tài chính) được nhắc đến nhiều nhất trong một thập niên trở lại đây.

Hiểu một cách đơn giản, neobank (ngân hàng thế hệ mới) là các công ty phi ngân hàng có cách tiếp cận phụ thuộc vào công nghệ để cung cấp một hoặc nhiều hơn các chức năng ngân hàng. Họ không có dịch vụ ngân hàng toàn diện và thường tập trung vào một sản phẩm tài chính đặc thù.

Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Simon-Kucher, kể từ năm 2017, trung bình mỗi năm thế giới có thêm 68 ngân hàng neobank mới được ra mắt. Dù vậy, một nghiên cứu mới đây cho thấy phần lớn neobank vẫn đang “vật vã” tìm kiếm lợi nhuận với chỉ 5% trong số khoảng 400 ngân hàng số đạt đến điểm hoà vốn.

Theo báo cáo của Simon-Kucher, năm 2021 chào đón thêm 56 ngân hàng neobank mới, đưa tổng số neobank đang hoạt động tính đến thời điểm tháng 1/2022 lên con số 397. Simon-Kucher ước tính các ngân hàng neobank này hiện đang phục vụ 1 tỷ khách hàng.

 Bên cạnh các neobank đang hoạt động, 42 neobank khác đang trong giai đoạn phát triển. (Nguồn: Simon-Kucher Neobank, Việt hoá: Thái Sơn). 

Hoạt động đầu tư mạo hiểm tích cực trong năm 2021 cũng đưa định giá của các neobank lên tầm cao mới. Lúc này, giá trị của toàn ngày có thể lên tới 300 tỷ USD. Báo cáo của Simon-Kucher cho biết mảng neobank hiện tại đang có khoảng gần 40 startup “kỳ lân” (các startup có định giá từ 1 tỷ USD trở lên).

 Nubank, Revolut, Chime, WeBank và KakaoBank đang là 5 neobank có định giá cao nhất. (Nguồn: Simon-Kucher Global Neobanking Radar, Việt hoá: Thái Sơn). 

Mặc dù có tiềm năng tăng trưởng và được các nhà đầu tư quan tâm, chưa đến 5% số lượng neobank trên thế giới có lợi nhuận, theo ước tính của Simon-Kucher. Phần lớn các neobank đang có doanh thu trung bình từ 1 khách hàng chỉ khoảng 30 USD/năm. Trong khi đó, tốc độ “đốt tiền” của các neobank là rất lớn. Trong một số trường hợp, một số neobank lỗ tới 100 triệu USD mỗi năm.

Ước tính của Simon-Kucher tương đồng với các báo cáo khác trong ngành neobank. Năm 2021, BCG công bố báo cáo có 249 ngân hàng điện tử thách thức (challenger bank) đang hoạt động vào cuối năm 2020, chỉ 13 trong số này, tương đương 5%, có lợi nhuận.

Cần lợi nhuận bền vững

Theo Simon-Kucher, một trong những lý do vì sao phần lớn neobank chưa có lãi liên quan đến mục tiêu tăng trưởng và lựa chọn chiến lược. Phần lớn các neobank đang tập trung tăng quy mô hoặc ở rôgnj thị trường.

Dù vậy, để tồn tại trong dài hạn, các neobank cần có chiến lược dài hơn trong việc hướng tới mục tiêu lợi nhuận. Một trong những cách để làm được điều này là mở rộng danh mục sản phẩm ra bên ngoài các sản phẩm lõi như thanh toán thẻ và tài khoản tiền gửi.

Simon-Kucher nhận định một số xu hướng mới có thể là lựa chọn tốt để neobank theo đuổi bao gồm mua trước trả sau (BNPL), tài chính nhúng, đầu tư số, tiền mã hoá và cho vay kỹ thuật số.

Neobank phát triển tại Châu Á Thái Bình Dương

Ở Châu Á Thái Bình Dương, việc đón nhận neobank đang diễn ra nhanh chóng nhờ cơ chế điều hành thông thoáng. Hiện tại, rất nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ ở khu vực này đã quyết định cấp các giấy phép ngân hàng điện tử, bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Singapore, Malaysia và Pakistan.

Indonesia hiện chưa có giấy phép đặc thù với ngân hàng tuy nhiên mới đây ban hành quy định cho phép pháp nhân nước ngoài gần như sở hữu hoàn toàn các ngân hàng địa phương. Trong khi đó, Thái Lan đang lên kế hoạch ra mắt chính sách mới đối với ngành ngân hàng, bao gồm ngân hàng số và ngân hàng mở (open banking) vào cuối năm nay.

 Một số quốc gia/vùng lãnh thổ đã và đang rục rịch ban hành giấy phép hoạt động ngân hàng thuần số. (Nguồn: Simon-Kucher Global Neobanking Radar, Việt hoá: Thái Sơn). 

Từ tháng 12/2020, Singapore đã trao 4 giấy phép hoạt động ngân hàng số và các ngân hàng đầu tiên trong số này đã đi vào hoạt động tháng trước.

Cụ thể, vào đầu tháng 6, Green Link Digital Bank (GLDB), thuộc sở hữu của liên doanh Greenland Holdings và  Linklogis Hong Kong, đã mở cửa để phục vụ nhóm khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ và nhóm khách hàng phi bán lẻ. Ngân hàng số này cung cấp các dịch vụ như tiền mặt, thanh toán, tín dụng và tài trợ thương mại.

Hôm 5/6/2022, Anext Bank, một ngân hàng thuộc sở hữu của Ant Group, cũng bắt đầu thử nghiệm cung cấp các dịch vụ ngân hàng bán buôn trên kênh số đối với đối tượng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ở Philippines, tập đoàn ngân hàng số Tyme sẽ ra mắt dịch vụ ngân hàng số GoTyme vào tháng 10/2022. Tyme trước đó từng ra mắt ngân hàng số đầu tiên tại Nam Phi với tên gọi TymeBank vào năm 2019. Hiện tại, TymeBank đang phục vụ khoảng gần 5 triệu khách hàng.

Ngân hàng trung ương Pakistan đang lên kế hoạch sẽ ban hành tối đa 5 giấy phép hoạt động ngân hàng số với hy vọng cải thiện được mức độ bao phủ của dịch vụ tài chính. Hồi cuối tháng 6, cơ quan điều này nói rằng họ đã nhận được khoảng 20 hồ sơ xin cấp phép.

Nam Khánh