|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chủ tịch VFCA: Nên phong tỏa tài khoản chứng khoán buộc phải công bố thông tin trước khi giao dịch

14:40 | 19/04/2022
Chia sẻ
Theo Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), điều này sẽ hạn chế những việc như thủ tục pháp lý về mặt công bố chưa thực hiện thì việc mua bán đã xảy ra.

Đánh giá về một loạt các quyết định giúp thanh lọc thị trường chứng khoán của các cơ quan chức năng trong thời gian qua, chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính, ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) cho rằng đây là một hành động rất quyết liệt.

Ông Lê Long Giang thông tin, trong năm 2020 và 2021, theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán (UBCK) thì mỗi năm cơ quan này xử phạt 300 trường hợp, thu về khoảng 22 tỷ đồng tiền phạt. Tuy nhiên, trong hai năm vừa qua không hề có một vụ xử lý hình sự nào, bởi vậy, trong thời gian qua các cơ quan chức năng đã mạnh tay hơn, thanh lọc mạnh hơn với việc bán chui cổ phiếu. 

Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có rất nhiều mặt hàng và có nhiều cơ hội cũng như lượng tiền mặt giao dịch hàng ngày càng ngày càng nhiều. Theo ông, điều này dẫn đến rất nhiều những lỗ hổng để có thể kiếm về không chỉ một vài tỷ mà có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ.

Ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA). (Ảnh: Chụp màn hình sự kiện).

"Việc thanh lọc là rất cần thiết, cần phải có những chế tài thật mạnh tay để ngay từ mặt ý nghĩ cũng không có ý nghĩ để sai phạm, chứ người ta không dựa vào việc được khoản lợi rất là lớn và sẵn sàng bỏ một khoản lợi nhỏ để nộp phạt", ông Lê Long Giang chia sẻ. 

Đồng quan điểm, ông Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp cho rằng việc xử lý gần đây của cơ quan quản lý là động thái rất nghiêm khắc, cần thiết cho thị trường trong lúc này.

Theo ông, đây cũng là dấu hiệu tích cực để thị trường lành mạnh hơn và giúp cho thị trường Việt Nam có thể tiệm cận gần hơn với thị trường thế giới. Bên cạnh đó, điều này cũng giúp Việt Nam có thể thu hút vốn, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư hơn và đây là tín hiệu tốt cho thị trường.

Cần có thêm luật bảo vệ người tiêu dùng tài chính

Để tiếp tục gia tăng tính minh bạch cho thị trường cũng như bảo vệ các nhà đầu tư, ông Võ Đình Trí chia sẻ đối với Nghị định 153 thì quan trọng nhất là phải xác định các điều kiện cần và đủ của nhà đầu tư chuyên nghiệp, đòi hỏi cơ chế công khai, minh bạch để tránh việc nhà đầu tư chuyên nghiệp thật sự cũng chính là thành viên của bên phát hành.

"Chẳng hạn như trường hợp của Tân Hoàng Minh, trái chủ lại là một công ty thành viên thì những điều này là những điều hoàn toàn phải cấm", ông Võ Đình Trí nêu ý kiến.

Giảng viên Trường IPAG Business School Paris cũng thông tin, hiện nay, trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển đã có một luật riêng, gọi là luật bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính. Luật này tách rời luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung, chủ yếu bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, các nhà đầu tư cá nhân.

 Ông Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris. (Ảnh:VWA). 

Theo ông, họ kiểm soát rất là chặt trong việc cung cấp các dịch vụ đầu tư. Chẳng hạn như những người trung gian cung cấp sản phẩm dịch vụ thì cần phải có những điều kiện bắt buộc như cấp phép, thỏa những điều kiện thông tin về sản phẩm đó phải minh bạch, rõ ràng cho nhà đầu tư. Nếu như nhà đầu tư hiểu lầm, hiểu sai thì đó là trách nhiệm rất lớn của bên phân phối.

Đối với các mức xử phạt, nghiêm trọng nhất là bị cấm giao dịch, bị rút giấy phép và có trường hợp án tù. Tuy nhiên, thường thì những vi phạm trên thị trường tài chính chủ yếu là phạt về hành chính và phạt với số tiền rất lớn.

"Răn đe hơn nữa là việc thu hồi giấy phép hoặc cấm trong vòng bao nhiêu năm hoặc cấm vĩnh viễn. Những hình phạt đó với những nhà đầu tư hay cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp thì đây là hình phạt rất nặng", ông Lê Đình Trí chia sẻ.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Long Giang cho biết Việt Nam có thể áp dụng một số biện pháp như phong tỏa tài khoản chứng khoán với những tài khoản chứng khoán buộc phải công bố thông tin trước khi giao dịch. Điều này sẽ hạn chế những việc như thủ tục pháp lý về mặt công bố chưa thực hiện thì việc mua bán đã xảy ra. 

Ngoài ra, vị Chủ tịch VFCA cũng cho biết Bộ Luật Chứng khoán 2019 của Việt Nam tương đối đồng nhất với cách quản lý của UBCK bên Hàn Quốc đó là giám sát ba cấp. Cụ thể: Cấp 1 đó là các công ty chứng khoán tự giám sát; Cấp 2 là tổng công ty lưu ký sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và sở giao dịch chứng khoán TP HCM giám sát cấp hai; Cấp 3 là UBCK giám sát.

Ông cho rằng, các công ty chứng khoán ở cấp độ cấp 1 cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình. Ngoài ra, với cấp độ ba cấp quản lý giám sát thế này, ông Lê Long Giang cho rằng càng ngày thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ càng trở nên minh bạch hơn và hạn chế các giao dịch đâu đó sẽ làm cho thị trường và các nhà đầu tư bị thiệt hại.

 

Phương Trang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.