|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ tịch Thế Giới Di Động: Thuốc trị COVID không khác gì thuốc dạ dày, 1-2 tuần nữa sẽ tràn ngập thị trường, không phải hàng độc quyền

11:26 | 22/02/2022
Chia sẻ
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Thế Giới Di Động, cho rằng việc quảng cáo bán thuốc trị COVID-19 chỉ là một chiêu trò PR.
Chủ tịch Thế Giới Di Động: Thuốc trị COVID không khác gì thuốc dạ dày, 1-2 tuần nữa sẽ tràn ngập thị trường, không phải hàng độc quyền - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Tài. (Ảnh: VCCI).

Mới đây, Cục quản lý Dược, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện cho ba loại thuốc điều trị COVID-19 chứa hoạt chất Molnupiravir của ba đơn vị tại Việt Nam. Điều này đã mở ra cơ hội kinh doanh mặt hàng được coi là "hot" nhất hiện nay cho các nhà thuốc.

FPT Long Châu hay Pharmacity, hai chuỗi dược phẩm lớn tại Việt Nam đều công bố thông tin sẽ mở bán thuốc này trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, mới đây, trong cuộc họp với nhà đầu tư, ông Nguyễn Đức Tài - ông chủ chuỗi nhà thuốc An Khang, thì cho rằng việc này mang ý nghĩa PR, quảng cáo nhiều hơn là độc quyền thực sự.

Cụ thể, khi nhận được câu hỏi về kế hoạch bán Molnupiravir tại An Khang, ông Tài nói: "Tôi cảm thấy cái này nghiêng về PR nhiều hơn thực chất. Vì thuốc trị COVID cũng không khác thuốc trị bao tử bao nhiêu cả. Tất cả những nhà sản xuất muốn xuất thuốc ra thị trường thì phải có giấy phép lưu hành. Họ cũng sẽ bán như bình thường. Đây không phải là hàng độc quyền".

Làm rõ khái niệm hàng độc quyền, ông Nguyễn Đức Tài lấy ví dụ về Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. "Có những mẫu điện thoại, TV,… các bạn phải đến Thế Giới Di Động hay Điện Máy Xanh để mua được nó, chỗ khác không thể mua được. Đó mới là khái niệm độc quyền thật sự. Còn thuốc này thì tôi chưa thấy ai có năng lực độc quyền thật sự đó cả. Mà người ta cũng không có thói quen làm cái đó", vị Chủ tịch khẳng định.

Ông chủ của An Khang dự đoán một đến hai tuần nữa, khách hàng có thể ra bất kỳ nhà thuốc nào để mua được thuốc trị COVID-19. "Nếu thuốc đó bán theo đơn thì bạn phải cầm đơn bác sĩ kê ra họ mới dám bán cho bạn. Nhưng điều này thực tế tôi không biết tuân thủ được bao nhiêu. 

Nói tóm lại, 1-2 tuần nữa các bạn sẽ thấy thuốc trị COVID-19 tràn ngập tất cả các nhà thuốc, không phải chỉ có ở An Khang hay ở đâu đó. Thành ra cái mà các bạn đang có nó nghiêng về PR hơn là cái thật", ông Tài dự báo.

"Chúng ta nói về độc quyền là gì, độc quyền là muốn mua cái đó phải đến đây chứ không thể đến chỗ khác. Cái đó thì đúng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đã làm được đối với một số mẫu sản phẩm. Đó mới là độc quyền thực sự. Còn ở đây người ta không nói về độc quyền. Ở đâu mua cũng được. 

Các bạn thử hai tuần nữa ra nhà thuốc hỏi xem có thuốc trị COVID-19 của Việt Nam sản xuất không các bạn sẽ thấy người ta trả lời: Có, giá nó như thế này, anh mua em bán cho", ông Tài nói thêm.

Về chuỗi nhà thuốc An Khang, mới đây CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động đã tăng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 100% từ tỷ lệ 49% trước đó. Như vậy, An Khang đã chính thức trở thành công ty con của Thế Giới Di Động. 

"Sau khi đạt hiệu quả kinh doanh tích cực ở cấp độ công ty với 178 cửa hàng cuối năm 2021 và chính thức hợp nhất vào kết quả kinh doanh của Thế Giới Di Động, chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ đầu tư cả về nguồn lực tài chính và đội ngũ lãnh đạo chuyên trách để phát triển mạnh mẽ", phía Thế Giới Di Động cho hay.

Cũng tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư, ông Đoàn Văn Hiểu Em - người phụ trách chính chuỗi nhà thuốc này trong thời gian sắp tới, cũng đã chia sẻ về những kế hoạch cho tương lai.

Ông Hiểu Em cho biết công ty đang xử lý một số vấn đề tại những cửa hàng hiện hữu để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng cũng như tìm kiếm cơ hội để thúc đẩy doanh số bán hàng. Hiện doanh thu mỗi nhà thuốc An Khang đang đạt mức 500 triệu đồng/nhà thuốc/tháng. Theo ông Hiểu Em, như vậy đã hòa vốn nhưng dư địa để tăng trưởng vẫn còn rất lớn.

Do đó, công việc sắp tới của Thế Giới Di Động đối với chuỗi bán lẻ dược phẩm này là xây dựng mô hình An Khang mới. Hiện với 178 cửa hàng đang có nhiều mô hình khác nhau và doanh nghiệp đánh giá đây cũng mới chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm. 

"Cần phải hoàn tất cho mô hình An Khang hoàn toàn mới. Trong năm nay sẽ tăng tốc cho An Khang để có thể tham gia cuộc đua trong lĩnh vực này", ông Đoàn Văn Hiểu Em chia sẻ.

Nói về cơ hội tăng trưởng trong ngành bán lẻ dược phẩm, ông chủ Nguyễn Đức Tài cũng nhận định rằng: "Ngành thuốc sau đợt dịch vừa rồi đã có những phát triển tốt. Nếu như trước đây ngành thuốc cơ bản nói về thuốc chữa bệnh là chính thì sau đợt dịch vừa rồi thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ,… cũng đã tăng trưởng ngon lành. 

Đây là những dấu hiệu cho thấy ngành thuốc Việt Nam đang dịch chuyển từ thuốc chữa bệnh - đau đâu chữa đó, sang bảo vệ sức khỏe. Chúng tôi cho rằng ngành thuốc muốn kiếm lợi nhuận thì đây là giai đoạn phù hợp".

Thiên Trường