|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất 'vi phạm nghiêm trọng' ra sao?

10:57 | 02/08/2017
Chia sẻ
Ông Nguyễn Anh Dũng thiếu kiểm soát, buông lỏng quản lý khiến nhiều dự án trực thuộc Tập đoàn thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. 

Theo kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm trong triển khai dự án Đạm Hà Bắc, DAP số 2 Lào Cai.

Đây cũng là hai dự án thua lỗ nghìn tỷ mà Bộ Công Thương đang phải xử lý.

“Với trách nhiệm người đứng đầu, ông Nguyễn Anh Dũng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, kiểm tra và giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của tập đoàn”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu.

Những vi phạm này của ông Dũng đã dẫn tới hậu quả rất nghiêm trọng, để tập đoàn và một số công ty con không bảo toàn được vốn Nhà nước giao.

Lỗ mẹ 'đẻ' lỗ con

Từng được ví là "huyền thoại của ngành phân đạm Việt Nam", nhưng Đạm Hà Bắc bắt đầu lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần và thua lỗ kể từ khi bắt đầu triển

khai dự án mở rộng năm 2011. Khi đó, dự án với tổng mức đầu tư gần 567 triệu USD (hơn 10.100 tỷ đồng) từng được kỳ vọng sẽ đem lại luồng sinh khí, diện mạo bề thế hơn cho Đạm Hà Bắc với sản lượng nửa triệu tấn phân đạm mỗi năm. Dù vậy, ngay sau khi hoàn tất mở rộng năm đầu tiên (2015), Đạm Hà Bắc đã công bố lỗ 669 tỷ đồng (cao hơn số lỗ theo kế hoạch 70 tỷ đồng) và tiếp tục tăng lên khoảng 1.000 tỷ đồng chỉ một năm sau đó.

chu tich tap doan hoa chat vi pham nghiem trong ra sao

Đạm Hà Bắc hiện còn nợ ngân hàng hơn 3.000 tỷ đồng.

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho biết, đến cuối năm 2016 tổng nợ phải trả của Đạm Hà Bắc là 8.776 tỷ đồng; lỗ lũy kế 1.716 tỷ.

Sau Đạm Hà Bắc, DAP Lào Cai là cái tên mới được bổ sung vào danh sách 12 dự án thuộc diện kiểm soát đặc biệt của Chính phủ. Ngay năm đầu tiên vận hành (cuối 2014) công ty này đã lỗ 1.000 tỷ đồng.

Từ khi đi vào vận hành, DAP Lào Cai chỉ chạy 50-65% công suất thiết kế. Do lượng tiêu thụ, doanh thu thấp không bù đắp được chi phí, nên ngay trong năm đầu tiên vận hành (cuối 2014) công ty này đã lỗ 1.000 tỷ đồng. Hết năm 2016, DAP Lào Cai lỗ lũy kế 1.013 tỷ đồng, nợ phải trả 4.287 tỷ. Ngoài ra, đơn vị này còn khoảng 3.062 tỷ đồng (gốc và lãi) tiền nợ ngân hàng.

Cả 2 dự án phân đạm của Vinachem đều phải điều chỉnh tổng mức đầu tư so với ban đầu, Đạm Hà Bắc tăng 50%, còn DAP Lào Cai gần 18%, đã đẩy chi phí khấu hao, lãi vay của số dự án này tăng mạnh. Tại Đạm Hà Bắc, sau điều chỉnh vốn đầu tư, chi phí khấu hao, lãi vay của đơn vị này tăng lên 1.303 tỷ đồng, tương đương mỗi kg phân đạm "gánh" hơn 3.800 đồng. Còn vốn đầu tư tại DAP Lào Cai cũng "đội" thêm gần 80 tỷ so với kế hoạch.

Thua lỗ, giảm lợi nhuận không chỉ là vấn đề của hai đơn vị này mà còn là nỗi lo của ngành công nghiệp phân đạm sản xuất từ than.

Lãnh đạo DAP Lào Cai cho biết, nguyên nhân dẫn tới tình cảnh thua lỗ như trên là do nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các ngành sản xuất công nghiệp, dẫn đến tiêu thụ khí công nghiệp gặp khó khăn. Trong khi đó, thị trường urê cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà sản xuất trong nước, giữa urê trong nước với urê nhập khẩu, đặc biệt là hàng nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc.

Diễn biến trái chiều của giá khí (dầu mỏ) và giá than - 2 nguyên liệu đầu vào của sản xuất phân đạm (tùy theo công nghệ, thiết bị được lựa chọn) - được xem là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến bất lợi của các nhà máy chạy than như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc...

Cùng sản xuất, kinh doanh một mặt hàng nhưng khi các nhà máy đạm chạy khí tại Việt Nam như Phú Mỹ, Cà Mau được hưởng lợi từ giá khí đầu vào rẻ (có lúc giảm 50%), thì các nhà máy của Vinachem lại gặp khó khăn do nguyên liệu sản xuất là than tăng giá chóng mặt. Giá than tăng tới 100% so với thời điểm tính toán hiệu quả dự án. Doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận mua và rơi vào cảnh khốn đốn.

Theo số liệu từ Đạm Hà Bắc, năm 2015 than cám 4a mua từ Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam tăng giá 30% so với mức năm 2009, ở mức 1,86 triệu đồng một tấn (tương đương 83 USD). Việc này khiến công ty phát sinh thêm chi phí khoảng 620 tỷ đồng.

chu tich tap doan hoa chat vi pham nghiem trong ra sao

Ông Nguyễn Anh Dũng (bên phải) tại lễ nhậm chức Chủ tịch Vinachem hồi năm 2012.

Đụng đâu cũng thấy sai phạm

Hàng loạt sai phạm trong quá trình triển khai đầu tư các nhà máy đạm của Vinachem như tính thừa chi phí, thi công sai phép, bố trí cán bộ không đủ trình độ tham gia dự án... bị thanh tra ngành xây dựng "điểm mặt chỉ tên".

Theo kết luận thanh tra, chủ đầu tư dự án mở rộng Đạm Hà Bắc và liên doanh nhà thầu thực hiện gói thầu EPC cũng xác định chưa chính xác chủng loại, số lượng một số thiết bị trong hợp đồng, dẫn đến có sự chênh lệch giữa giá trị hợp đồng EPC so với giá trị đã nghiệm thu lắp đặt. Chính điều này đã làm tăng giá trị hợp đồng hơn 145 tỷ đồng và hơn 2,5 triệu USD.

Sai sót trong nghiệm thu, mua hàng nhập khẩu, khiến gói thầu EPC của DAP Lào Cai vượt hơn 1,2 triệu USD tiền thuế giá trị gia tăng. Đơn vị này cũng không tính đúng tỷ trọng thanh toán của các thành phần chi phí như thiết kế, mua sắm, xây dựng dẫn đến thanh toán vượt gần 47.000 USD. Việc nghiệm thu, thanh toán thừa khối lượng quét nhựa đường chống thấm, thanh toán sai giá ghi thuộc hạng mục đường sắt làm sai tăng hơn 235 triệu đồng...

Sau thời gian dài đắp chiếu, các dự án phân đạm của Vinachem đã bắt đầu chạy máy lại từ đầu năm nay để sớm cắt lỗ.

Tính toán của Đạm Hà Bắc, do áp lực chi phí lãi vay, trích khấu hao lớn và lỗ lũy kế "khủng", nên hai nhà máy này phải 2 năm nữa mới hết lỗ lũy kế. “Giá đạm vẫn đà đi lên thì sau 2 năm nữa công ty mới cắt hết lỗ", lãnh đạo Đạm Hà Bắc chia sẻ.

Tương tự, DAP Lào Cai cũng nhìn nhận dù giá urê tăng thì doanh nghiệp cũng chỉ giảm lỗ được xuống 200 tỷ đồng trong năm nay. “Muốn hết lỗ và có lãi trở lại thì phải vài năm nữa, và còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường”, ông Lê Văn Tiền - Phó tổng giám đốc nói.

Anh Minh