|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ tịch SSC: Doanh nghiệp giấu công bố thông tin sẽ đánh mất miền tin với nhà đầu tư

15:39 | 04/04/2019
Chia sẻ
UBCK Nhà nước đang nghĩ đến việc áp dụng kiểm toán Big 4 đối với các doanh nghiệp VN30, nhằm tăng chất lượng trong công bố thông tin, nhất là thông tin tài chính.
Chủ tịch SSC: Doanh nghiệp giấu công bố thông tin sẽ đánh mất miền tin với nhà đầu tư - Ảnh 1.

Minh bạch trong công bố thông tin là vấn đề được các thành viên trong thị trường chứng khoán quan tâm

Cần giải pháp "quả mít" để xử lý các vấn đề trong công bố thông tin 

"Khía cạnh pháp lý về công bố thông tin đối với doanh nghiệp đại chúng tại Việt Nam thậm chí còn hơn cả chuẩn mực quốc tế; nhưng khía cạnh thực hành lại có nhiều vấn đề", đây là ý kiến của ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK - SSC) tại hội thảo NDH Talk diễn ra hôm nay (4/4).

Vậy làm sao để cải thiện chất lượng công bố thông tin? 

Theo ông Dũng sẽ cần một giải pháp "quả mít" để khắc phục nhiều vấn đề còn tồn tại và quan trọng là tất cả các thành viên trên thị trường cần phải đi cùng nhau.

Cơ quan quản lý đang tiến hành xây dựng lại luật chứng khoán, một số doanh nghiệp kêu rằng chặt gây khó khăn, nhưng một số tổ chức lại cho rằng chưa đủ minh bạch.

Theo Chủ tịch UBCK, muốn thực hiện minh bạch trong công bố thông tin phải đi từ từ, nhưng phải xác định là đi từ nhận thức. Phải để doanh nghiệp nhận ra được là minh bạch, quản trị tốt hơn thì sẽ chống chịu được với khủng hoảng tốt hơn. Doanh nghiệp giấu thông tin quan trọng, tốt hoặc xấu chờ cho đợt phát hành, có thể làm được lần một, lần hai… nhưng dần dần sẽ đánh mất niềm tin nơi nhà đầu tư.

Nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước là sẽ phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn, tổng thể hơn; tới đây các hình thức xử phạt sẽ tăng lên nhiều không chỉ đối với tập thể mà còn cá nhân, thậm chí xử lý hình sự mạnh mẽ hơn, chủ tịch SSC cho biết.

Hình thức xử phạt sẽ tăng nặng trong luật chứng khoán mới

Chủ tịch SSC: Doanh nghiệp giấu công bố thông tin sẽ đánh mất miền tin với nhà đầu tư - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch SSC

Đối với việc xử phạt trên thị trường chứng khoán còn nhẹ, theo ông Dũng đánh giá còn tùy theo mức độ vi phạm; mức độ xử phạt thì theo khung pháp lý đã có sẵn. Đối với các doanh nghiệp vẫn tái phạm thì sẽ áp dụng khung khác nặng hơn.

Đối với tổ chức là doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng thì tới đây sẽ bổ sung hình thức là không được phát hành trong một khoảng thời gian.

Đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ do UBCK cấp phép hoạt động thì mức phạt có thể là tạm dừng hoạt động.

"Hiện giờ có những doanh nghiệp chưa tuân thủ ví dụ như doanh nghiệp phát hành ra công chúng một năm chưa niêm yết mà vẫn xin phát hành tiếp. Trường hợp đó bắt buộc phải niêm yết xong thì UBCK mới cho thực hiện phát hành", ông Dũng trình bày.

Đối với cá nhân thuộc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, thì UBCK sẽ bổ sung hình phạt đối với lãnh đạo và cá nhân hành nghề. Trong đó đối với lãnh đạo, nếu vi phạm nghiêm trọng, có hình phạt như không đủ điều kiện tham gia lãnh đạo, cấm tham gia HĐQT, ban tổng giám đốc, trưởng ban kiểm soát.

Đối với cá nhân hành nghề thì có thể sẽ treo hoặc tịch thu vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề. Ông Dũng tiết lộ, hình thức xử phạt sẽ tăng lên tương đối mạnh trong luật chứng khoán mới.

Còn một số quy định thêm ở trong luật, trước đây hình phạt đối với tổ chức tối đa là hai tỷ, bây giờ đang nâng lên ba tỷ, cá nhân thì từ một tỷ lên một tỷ rưỡi.

Ngoài ra, đối tượng công bố thông tin được mở rộng ra, nhất là các đối tượng có liên quan nhưng vấn đề này đang gặp phải nhiều tranh cãi.

Nâng cao vai trò của kiểm toán trong minh bạch thông tin 

"Chúng tôi muốn nâng cao vai trò của kiểm toán, chúng tôi đang có suy nghĩ là các doanh nghiệp thuộc VN30 cần phải để Big 4 kiểm toán. Tuy nhiên hiện 27/30 VN30 đã do Big 4 kiểm toán rồi, nên có lẽ là không cần thiết".

Chủ tịch SSC cũng chắc chắn việc sẽ đưa vào quy định bản cáo bạch phải có ý kiến của kiểm toán viên.

Theo ông Dũng, trong quá trình kiểm toán, các công ty thuộc Big 4 thường có phần mềm chọn mẫu nhưng các công ty kiểm toán nhỏ thì thường không có nên có thể xuất hiện trường hợp chọn mẫu mang tính chủ quan của kiểm toán viên.

Đó là vì sao trong 150 công ty kiểm toán được cấp phép nhưng UBCK chỉ chọn ra 30 công ty được kiểm toán cho doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.

Nhưng UBCK cũng không bảo đảm được trong 30 doanh nghiệp đó thì tất cả lãnh đạo kiểm toán và kiểm toán viên đều tốt.

Kiểm toán có chuẩn mực của kiểm toán, nếu kiểm toán viên vi phạm chuẩn mực thì sẽ có vấn đề. UBCK sẽ loại kiểm toán viên nếu vi phạm sau đó quy trách nhiệm cho công ty kiểm toán. Chúng tôi đưa vào luật ý sau khi kiểm toán nếu có phát hiện sai sót trọng yếu thì kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải báo cáo UBCK.

Về chế tài cho kiểm toán viên và công ty kiểm toán, hiện nay chỉ có chế tài hành chính là rút giấy phép và chủ yếu chỉ áp dụng cho kiểm toán viên.

Có chế tài cho công ty nhưng trên thực tế rất hiếm khi áp dụng, về tài chính thì hạn chế, xử lý hình sự thì chưa có.

Nhưng nếu có kiểm toán viên cố tình không làm theo chuẩn mực hoặc thông đồng doanh nghiệp, thì quan điểm của chủ tịch UBCK là phạm tội mang tính hình sự, cho nên có thể truy cứu. Và có lẽ không cần đến chế tài mà luật hình sự hiện tại cũng có thể xử lý, có điều chúng ta chưa làm đến chuyện đó.

Như vậy theo ông Dũng, nếu có trường hợp phát hiện rõ ràng thì với luật hình sự hiện tại hoàn toàn có thể sử dụng.

"Và nếu được như thế thì sau này cũng nên đưa vào một số chế tài. Như vậy không phải là để "đánh" kiểm toán, mà tôi nghĩ nếu được như thế thì hoạt động kiểm toán sẽ chuẩn mực hơn, tăng được lòng tin cho nhà đầu tư".

Đông A