Chủ tịch Sao Ta: Chưa lúc nào ngành tôm gặp khó khăn như bây giờ
Năm 2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,4 tỷ USD, giảm 22% so với năm 2022. Con số xuất khẩu giảm phản ánh một năm ngành tôm đối mặt với nhiều thách thức.
Dự báo năm 2024, TS. Hồ Quốc Lực, Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cho rằng thời điểm này ngành tôm đang gặp khó khăn quá lớn, từ nuôi, chế biến tới thị trường tiêu thụ.
"Chưa lúc nào ngành tôm gặp khó khăn to lớn như bây giờ", ông nói.
Khó khăn đầu tiên là dịch bệnh tôm rất trầm trọng, chủ yếu do vi khuẩn tấn công trên diện rộng. Thực trạng hiện nay là người nuôi thiếu vốn, trong khi đó các nhà đầu tư ngại rủi ro nên chưa mạnh tay đầu tư. Ông dự báo với tình hình này, mùa tôm mới sẽ khởi động chậm một tháng so với thông thường ngay sau Tết Nguyên đán.
Với khối doanh nghiệp chế biến, họ đang cầm cự vì đơn hàng không như thời hoàng kim. Hiện giá tôm thương phẩm tuy không cao, nhưng vẫn còn cao so với giá bán. Trong khi đó, giá tôm thế giới đang quá rẻ, rẻ hơn tôm Việt Nam hơn 1 USD trên một cân tôm thương phẩm. Tính toán cho thấy, giá tôm thành phẩm chênh lệch hơn 1,5 USD, như vậy quá khó để tìm đơn hàng.
Trong khi đó, tình hình các thị trường lớn cũng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như Nhật Bản, đồng yen mất giá kỷ lục. Tình hình này khiến sức mua không thể mạnh như trước.
Thị trường lớn nhất là Mỹ cũng đối mặt một số trở ngại. Theo ông Hồ Quốc Lực, khó khăn lớn nhất là vụ kiện chống trợ cấp (CVD) đang được phía Bộ Thương mại Mỹ (DOC) điều tra sơ bộ. Ngay sau đó, nhiều khả năng bên nguyên đơn sẽ hâm nóng lại vụ kiện chống bán phá giá (AD).
Ở Tây Ban Nha, tôm Việt cũng gặp khó, thể hiện rõ nhất ở mức tiêu thụ giảm mạnh trong năm 2023. Nguyên nhân do tôm giá rẻ của Ecuador chiếm lĩnh thị trường này. Họ có lợi thế là giá rẻ, đáp ứng xu thế người tiêu dùng, cụ thể là tôm có chứng nhận nuôi ASC, chi phí vận chuyển cũng thấp hơn.
Chủ tịch Sao Ta cũng đề cập đến xu thế người tiêu dùng ở EU đi trước các thị trường khác. Họ đòi hỏi tôm nuôi đạt chuẩn an toàn (ASC), đòi hỏi bên cung ứng có giải pháp giảm phát thải (nuôi, chế biến), đòi hỏi truy xuất nguồn gốc tận gốc (thành phần thức ăn tôm, tôm bố mẹ), đòi hỏi phúc lợi động vật (tôm bố mẹ không cắt mắt khi sinh sản nhân tạo, nuôi mật độ vừa phải).
Sự yêu cầu nghiêm ngặt trên là một lý do khiến doanh nghiệp tôm Việt chưa thể tăng tốc ở thị trường này.
Với thị trường nhiều tiềm năng là Trung Quốc, ông Hồ Quốc Lực cho rằng doanh nghiệp nên tập trung bán những mặt hàng tôm mà các nước cung ứng tôm khác không thể đáp ứng.
Năm 2023, Trung Quốc nhập 1 triệu tấn tôm. Đất nước tỷ dân cũng có có hàng nghìn doanh nghiệp lớn chế biến tôm cung ứng cho các hệ thông tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
"Họ có lợi thế là tôm dạng nguyên liệu từ nhiều nước có sức cung thừa đáp ứng nhu cầu, cho nên Trung Quốc chủ yếu nhập tôm nguyên liệu về tái chế và cung ứng. Trong khi đó, tôm Việt đại đa số tôm thành phẩm là tôm chế biến khá sâu và sâu, vì vậy nên biết mình biết người", ông nói và nhấn mạnh xuất khẩu tôm sang Trung Quốc sẽ chiếm vị trí cao hơn nếu biết tận dụng cơ hội.