|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch May Thành Công: 'Đơn hàng trong quý cao điểm không như kỳ vọng, sức ép tỷ giá và lãi suất ăn mòn lợi nhuận công ty'

15:03 | 13/12/2022
Chia sẻ
Theo ông Trần Như Tùng Chủ tịch HĐQT của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, năm nay tình hình đơn hàng không được như kỳ vọng bởi mọi năm đến thời điểm quý IV, công ty đã lấp đầy đơn hàng cho quý I năm sau. Đồng thời đây là hai quý cao điểm nhất trong năm. Bên cạnh đó, sức ép chênh lệch tỷ giá kèm theo lãi suất tăng cao ăn mòn lợi nhuận của công ty.

Đơn hàng từ các thị trường châu Âu và Mỹ sụt giảm 

Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) vừa công bố tình hình kinh doanh tháng 10 với doanh thu đạt hơn 13,5 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 803 nghìn USD, gấp 10 lần so với tháng 10/2021. Doanh thu tháng 10 đến từ ba mảng chính trong đó phẩm may chiếm 76%, vải chiếm 15% và sợi chiếm 7% tổng doanh thu.

Mặc dù tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng so với tháng trước đó, doanh thu của Thành Công giảm 10%, lợi nhuận sau thuế giảm 16% đồng thời là tháng giảm thứ hai liên tiếp. 

Số liệu: BCTC CTCPDệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (H.Mĩ tổng hợp)

Chia sẻ với người viết, ông Trần Như Tùng Chủ tịch HĐQT của Thành Công cho biết các công ty trong ngành dệt may đang chịu ảnh hưởng lớn bởi lượng đơn hàng từ hai thị trường là Châu Âu và Mỹ suy giảm. Theo đó, đơn hàng bắt đầu sụt giảm từ quý IV/2022 và chưa biết khi nào tình trạng này kết thúc. 

“Hy vọng trong quý II/2023, tình hình sẽ phục hồi nhưng sẽ phụ thuộc nhiều vào lạm phát trên thế giới”, ông Tùng nói. 

Theo ông, những doanh nghiệp nào phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ và Châu Âu, đặc biệt là các doanh nghiệp miền Bắc, đơn hàng có thể sụt giảm trên 50%. Với các doanh nghiệp phía Nam mức độ sụt giảm thấp hơn nhưng trung bình cả nước khoảng 25%. 

“Riêng với Thành Công, may mắn ngoài Mỹ, chúng tôi phân bổ thêm thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Do đó, mức độ sụt giảm tương đối ít so với các bên khác chỉ tập trung nhiều vào Châu Âu và Mỹ. Hiện tại đơn hàng cho quý IV đã lấp đầy và quý I đạt khoảng 80 - 85%”, ông Tùng cho biết. 

Xuất khẩu tháng Thành Công sang Châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất 57% trong đó, Hàn Quốc chiếm 24,28%, thị trường Nhật chiếm 18,19%. Tiếp theo là thị trường Châu Mỹ chiếm tỷ trọng 40%, trong đó thị trường Mỹ chiếm 35,32%. Châu Âu chiếm tỷ trọng thấp nhất 3% trong đó thị trường Anh chiếm 2,37%.

 Số liệu: BCTC CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (H.Mĩ tổng hợp)

Tuy nhiên, theo ông Tùng, năm nay tình hình đơn hàng không được như kỳ vọng bởi mọi năm đến thời điểm quý IV, công ty đã lấp đầy đơn hàng cho quý I năm sau. Đồng thời đây là hai quý cao điểm nhất trong năm. Bên cạnh đó, sức ép chênh lệch tỷ giá kèm theo lãi suất tăng cao ăn mòn lợi nhuận của công ty.

“Lãi suất ngân hàng tăng cao khiến chi phí tài chính của chúng tôi tăng theo. Bên cạnh đó, sức ép tỷ giá cũng khiến lợi nhuận bị ăn mòn bởi chúng tôi vay đồng USD nhiều. Do đó, hàng tháng chúng tôi phải trích lập dự phòng cho vấn đề chênh lệch tỷ giá”, ông Tùng cho biết. 

  Số liệu: BCTC CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (H.Mĩ tổng hợp)

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Thành Công cho thấy chi phí tài chính trong kỳ cao gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 34 tỷ đồng. 

Luỹ kế 9 tháng, khoản chi phí này tăng hơn gấp đôi với với cùng kỳ lên 82,4 tỷ đồng. Trong đó, công ty ghi nhận khoản lỗ chúng lệch tỷ giá hơn 63 tỷ đồng (bao gồm đã thực hiện và chưa thực hiện) trong khi con số này của cùng kỳ khoảng 19 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, ông Tùng dự báo năm nay Thành Công vẫn hoàn thành kế hoạch doanh thu, lợi nhuận nhờ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm nay khá tốt.

Doanh thu lũy kế ước tính 10 tháng năm 2022 đạt 156 triệu USD tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt khoảng 88% so với kế hoạch năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 9,8 triệu USD tăng gấp đôi so với cùng kỳ và đạt khoảng 91% so với kế hoạch năm 2022.

Ngành dệt may sẽ còn khó khăn 

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt gần 38 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các thị trường xuất khẩu lớn bao gồm Mỹ, khối CPTPP, EU và Hàn Quốc…

 Số liệu: VITAS (H.Mĩ tổng hợp)

Tại cuộc họp báo hồi giữa tháng 11, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng "Quý III và quý IV/2023 ngành dệt may sẽ phục hồi trở lại cũng với tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Tuỳ vào thông tin giảm hàng tồn của các nước có sức mua lớn mà có những điều chỉnh cụ thể. Hiện tại vẫn còn nhiều yếu tố bất định như đồng tiền Euro, Yên Nhật mất giá trong khi đồng USD tăng giá nên việc xuất nhập khẩu trong chuỗi cung ứng ngành dệt may áp lực". 

 Mỹ vẫn đang dẫn đầu trong số các thị trường tiêu thụ hàng dệt may của Việt Nam. (Số liệu: VITAS, tổng hợp: H.Mĩ)

Trong báo cáo triển vọng ngành dệt may, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng mức tăng trưởng khả quan đến từ mức nền thấp cùng kỳ khi hoạt động xuất khẩu của quý III/20221 bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa phòng dịch bệnh.

Thực tế, xuất khẩu xơ sợi trong quý III tiếp tục ghi nhận đà giảm mạnh với kim ngạch 1 tỷ USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2021 do nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may đi xuống, tồn kho cao. BSC cho rằng xu hướng giảm vẫn sẽ tiếp tục trong quý IV và giá sợi ổn định ở mức thấp trong năm 2023.

H.Mĩ

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.