Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Thị trường cho vay bất động sản vẫn rất tiềm năng
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, Mã: TCB), Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh cho rằng mảng cho vay bất động sản (BĐS) vẫn còn rất tiềm năng.
Ông đánh giá quá trình đô thị hóa ở Việt Nam là cấp thiết, do đó việc phát triển thị trường BĐS là điều đương nhiên, quan trọng là lựa chọn đối tượng khách hàng để cho vay.
"Techcombank luôn lựa chọn những chủ đầu tư tốt, khách hàng mua và vay nợ đều được đánh giá kỹ. Trong 8-9 năm qua, tỷ lệ nợ xấu của Techcombank duy trì ở mức thấp, kể cả những khách hàng mua nhà của các chủ đầu tư như Vingroup, Sun Group hay Ecopark", Chủ tịch Techcombank cho biết.
Nhóm khách hàng thuộc phân khúc có thu nhập khá và cao mà Techcombank đang tập trung có nhu cầu cao về nhà ở là cơ sở để ngân hàng tiếp tục đưa ra định hướng phát triển mảng cho vay này, Tổng Giám đốc Jens Lottner cho hay.
Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết mặc dù tỷ trọng cho vay bất động sản cao nhưng về con số tuyệt đối thì vẫn ở mức thấp nếu so với một số ngân hàng khác. Con số tại các ngân hàng quốc doanh còn gấp 3 lần Techcombank.
Theo ông, bất động sản được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xếp vào nhóm lĩnh vực cho vay tiềm ẩn rủi ro rất cao, các khoản vay ở lĩnh vực này có hệ số rủi ro rất cao, lên tới 200%. Việc đánh giá bằng các hệ số rủi ro này sẽ ảnh hưởng đến cách tính hệ số an toàn vốn CAR của ngân hàng. Do đó, mức độ an toàn của ngân hàng sẽ thể hiện ở hệ số CAR.
Hệ số an toàn vốn (CAR) của Techcombank vào cuối năm 2020 theo Basel II đạt 16,1%, cao hơn nhiều ngưỡng quy định của NHNN là 8%.
Chia sẻ về chiến lược giai đoạn 2021 - 2025, Tổng Giám đốc Jens Lottner cho biết ngân hàng sẽ tập trung vào các nguồn mang lại lợi nhuận lớn nhất như cho vay mua nhà, CASA, quản lý tài sản và phát huy các thế mạnh như phân khúc khách hàng thu nhập cao, bất động sản, thanh toán.
Cùng với đó, ngân hàng sẽ tiếp tục đa dạng hoá nguồn thu, tham gia vào các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai như cho vay SMEs, phát triển hệ sinh thái, đối tác.
Dư nợ vay bất động sản tăng nhanh hơn tín dụng toàn nền kinh tế
Trong ba tháng đầu năm, cho vay bất động sản có dấu hiệu tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành kinh tế.
Theo số liệu của NHNN, tính đến 31/3/2021, tín dụng nền kinh tế đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020. Trong đó, tín dụng bất động sản đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm trước.
Tại họp báo chính phủ tháng 3, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết câu chuyện bất động sản gần đây là tương đối nóng tại một số địa phương.
"Giá đất đang có xu hướng 'tăng nóng' có thể đến từ nhiều nguyên nhân và một trong những nguyên nhân được báo đài phản ánh khá chính xác đến từ tình trạng một số đối tượng cơ hội tung tin không chính xác về thuế đất, quy hoạch... để kiếm lợi nhuận chênh lệch", ông Tú chia sẻ.
Dù vậy, đại diện NHNN cho rằngdòng vốn tín dụng bất động sản vẫn luôn được kiểm soát chặt chẽ trong thời gian qua.