Cho vay bất động sản có tỷ trọng lớn nhất, chiếm 21% tổng dư nợ tín dụng tại Hà Nội
Cho vay bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất
Theo số liệu của Cục thống kê của TP Hà Nội, tính đến hết tháng 2/2021, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt gần 2,22 triệu tỷ đồng, tăng 0,2% so tháng trước và tăng 0,6% so với thời điểm cuối năm 2020.
Trong đó, dư nợ cho vay đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, chiếm 90,3% trong tổng dư nợ, tăng 0,6% so với cuối năm ngoái. Dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 889.000 tỷ đồng, tăng 0,1%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt gần 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 0,3%.
Xét theo các chương trình tín dụng, tính đến hết tháng 2, cho vay bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng dư nợ với 419.000 tỷ đồng (20,9%).
Kế sau đó là cho vay theo chương trình phục vụ nhu cầu đời sống với gần 387.000 tỷ đồng (19,3%), cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ với 378.000 tỷ đồng (18,9%), cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 182.000 tỷ đồng (9,1%)...
Về chất lượng tín dụng, tại thời điểm 31/12/2020, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiếm 1,9% trong tổng dư nợ và 2,1% trong tổng dư nợ cho vay.
Về hoạt động huy động vốn, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước đạt 3,77 triệu tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cuối năm trước.
Trong đó, tiền gửi VND ước tính đạt 3,1 triệu tỷ đồng, tăng 0,7% so với thời điểm kết thúc năm 2020; tiền gửi ngoại tệ ước đạt 409 tỷ đồng, tăng 0,1%; tiền gửi tiết kiệm ước tính đạt gần 1,44 triệu tỷ đồng, tăng 0,4%; tiền gửi thanh toán ước tính đạt gần 2,08 triệu tỷ đồng, tăng 0,7%.
Mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp
Về tình hình lãi suất, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mặt bằng lãi suất trên địa bàn đã được các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn.
Lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,2 - 3,9%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 3,8 - 6%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,5 - 6,8%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND tại các tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 5,5 - 8,0%/năm đối với ngắn hạn; 7,5-9%/năm đối với trung và dài hạn.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) ở mức 4,5%/năm.