|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ tịch Hà Nội nói về căn cứ phạt người ra đường khi không cần thiết

11:18 | 04/04/2020
Chia sẻ
“Việc xử phạt các đối tượng không thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng là hoàn toàn có cơ sở, giống người không chấp hành đeo khẩu trang", Chủ tịch Hà Nội nói.

Trước diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp khi xuất hiện các ca nhiễm ngoài cộng đồng không xác định được nguồn gốc, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị người dân nếu không có việc cần thiết trong hai tuần tới thì không ra ngoài đường. 

Ông cho biết từ hôm nay (4/4), thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, trường nào không nằm trong diện được đi ra ngoài đường phải xử phạt.

Yêu cầu này được ông Chung đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố chiều 3/4. Nhiều ý kiến ủng hộ giải pháp mạnh mẽ của lãnh đạo UBND Hà Nội nhằm ngăn chặn dịch bệnh, song cũng có ý kiến băn khoăn về cơ sở xử phạt.

"Có đủ cơ sở để xử phạt"

Chia sẻ với Zing khi được hỏi về cơ sở xử phạt người ra đường không thuộc trường hợp thật sự cần thiết, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung dẫn chứng: “Cũng trong chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang nơi công cộng. Nhiều trường hợp không chấp hành đã bị xử phạt 200.000 đồng, vậy thì những vi phạm tương tự mà chỉ thị đề cập cũng có căn cứ để xử phạt”.

Căn cứ được ông Chung nhắc đến đến là việc Thủ tướng đã quyết định công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc, khẳng định đây là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.

Ngoài các chỉ thị về giải pháp phòng chống dịch của Thủ tướng, Chủ tịch Hà Nội cho biết còn nhiều văn bản pháp luật khác quy định xử lý việc không thực hiện nghiêm các giải pháp trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Chủ tịch Hà Nội nói về căn cứ phạt người ra đường khi không cần thiết - Ảnh 1.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định có đủ căn cứ xử phạt nghiêm các trường hợp ra ngoài khi không cần thiết. Ảnh: Hải Nam.

Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định “cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định”.

Điều 8 luật này nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Tùy tính chất và mức độ của hành vi, người vi phạm còn có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 176 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. 

Theo đó, hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.

Đối chiếu về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, chủ tịch UBND xã, phường cũng có thẩm quyền xử phạt các trường hợp này. “Vì vậy, với những trường hợp cố tình vi phạm, không thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng trong phòng chống dịch, chúng tôi hoàn toàn có đủ cơ sở xử phạt”, ông Chung nói.

Chủ tịch Hà Nội nói về căn cứ phạt người ra đường khi không cần thiết - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Chung nói vẫn còn những trường hợp cố tình tụ tập trái quy định phòng dịch. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, Thủ tướng, Chính phủ và Hà Nội liên tục tuyên truyền, khuyến cáo, yêu cầu mọi cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống dịch trong giai đoạn cao điểm nhưng vẫn có những trường hợp cố tình vi phạm.

“Trên ứng dụng Smart City, hôm qua vẫn còn hơn 700 phản ánh về việc tụ tập đông người, họp chợ hay hàng ăn mở bán. Mấy hôm vừa rồi chúng tôi nhắc nhở, nhưng chắc chắn từ 4/4 sẽ xử phạt thật nặng”, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.

Ông cho biết Văn phòng Chính phủ cũng đã có hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Chỉ thị 16, nêu rõ các trường hợp cần thiết được ra ngoài hay những dịch vụ, cơ sở được tiếp tục hoạt động trong 15 ngày cách ly xã hội. 

Tất cả những trường hợp ngoài diện này, nếu không chấp hành nghiêm việc ở trong nhà, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt, kể cả với những người tụ tập đông tập thể dục.

Ông Chung cũng nêu thực tế ở thành phố vẫn còn những quán ăn lén lút mở và còn có xe vận tải chở khách chui sau lệnh cấm. Vì vậy, cần làm quyết liệt để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

“Thành phố đang nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng chống trong khi dịch bệnh diễn biến rất phức tạp nhưng nếu không có sự ủng hộ, chia sẻ và đồng thuận của người dân, giải pháp nào cũng không thể hiệu quả. 

Vì vậy, rất mong người dân chung sức cùng chính quyền”, ông Chung cho rằng không nên lo việc này tác động đến quyền lợi hay sinh hoạt mà hãy chấp nhận hy sinh để qua giai đoạn cao điểm này. Nếu không chấp hành nghiêm, dịch lây lan và bùng phát sẽ gây hậu quả rất nặng nề.

"Nếu ta qua được 15 ngày trong giai đoạn cao điểm sắp tới thì nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm đi rất nhiều. Chỉ cần 10% dân số không thực hiện thì sẽ đổ bể kế hoạch chống dịch”, ông Chung chia sẻ.

Nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng tăng cao

Những giải pháp cứng rắn và quyết liệt hơn được người đứng đầu thành phố đưa ra sau khi Hà Nội liên tiếp xuất hiện những ca mắc Covid-19 trong cộng đồng nhưng không xác định được nguồn lây nhiễm.

Cho biết rất lo, sốt ruột trước tình trạng này, Chủ tịch Hà Nội chia sẻ ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu cũng như tham vấn ý kiến các chuyên gia về dịch bệnh để có thể tính toán, đưa ra các giải pháp phù hợp.

Chủ tịch Hà Nội nói về căn cứ phạt người ra đường khi không cần thiết - Ảnh 3.

Hà Nội đã yêu cầu đóng cửa tất cả các công viên để hạn chế người dân tụ tập tập thể dục. Ảnh: Phương Lâm.

Thậm chí, với bất cứ ca bệnh nào xuất hiện trên địa bàn, ông Chung đều trực tiếp gọi điện trao đổi với bệnh nhân để tìm hiểu tình trạng, lịch trình.

“Tôi gọi điện trao đổi với họ trong tư cách người đứng đầu chính quyền thành phố vì mong họ sẽ nói thật, nói hết để chúng tôi có thể xác định lịch trình, khoanh vùng và cách ly nhanh nhất có thể”, ông Chung chia sẻ.

Ông cho biết hiện Hà Nội là địa phương đứng đầu về số ca nhiễm Covid-19 của cả nước và đáng lưu ý, chỉ trong một tuần nay, số ca nhiễm ở Hà Nội đã tăng gần gấp đôi so với 3 tuần trước. Địa phương cũng liên tục phát hiện ca nhiễm ngoài cộng đồng. Điển hình như trường hợp người nước ngoài bị tai nạn đưa vào bệnh viện đã phát hiện dương tính với Covid-19.

Theo ông Chung, những trường hợp này là vô cùng phức tạp vì chứng tỏ có lây nhiễm trên địa bàn, trong cộng đồng. Vì vậy, ông cứng rắn đưa ra các giải pháp mạnh với kỳ vọng ngăn ngừa được các nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. 

Và yêu cầu đóng cửa tất cả các công viên, kiểm tra, xử phạt những trường hợp không thật sự cần thiết vẫn đi ra đường… là một trong số những giải pháp ấy.

“Chúng ta đã đi qua 2 tháng rồi, nhưng nếu trong 1-2 tuần tới không kiểm soát tốt mà để dịch bùng phát thì rất khó chống đỡ, kiềm chế sự gia tăng của các ca nhiễm. Vì vậy, tôi cho rằng cần áp dụng biện pháp mạnh, cứng rắn hơn”, ông Chung nói và khẳng định cách ly là giải pháp an toàn, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch Covid-19.

Hoài Thu