|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 4/4: Việt Nam có 239 ca nhiễm, Châu Âu cán mốc 40.000 người tử vong

07:54 | 04/04/2020
Chia sẻ
Ghi nhận đến sáng nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 205 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới khiến hơn 1 triệu người nhiễm và hơn 59.000 người tử vong.

Tính đến 7h sáng nay (4/4), toàn thế giới đã ghi nhận 1.097.810 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 59.140 người đã tử vong và 228.285 người đã hồi phục, theo trang thống kê toàn cầu Worldometer.

Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 205 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 4/4: Việt Nam có 239 ca nhiễm, Châu Âu cán mốc 40.000 người tử vong - Ảnh 1.

Hơn 59.000 người chết vì COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AFP)

Việt Nam: Số ca nhiễm COVID-19 tăng lên 239

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, tính đến 6h sáng nay (4/4), Việt Nam ghi nhận thêm 2 ca nhiễm, nâng tổng số trường hợp dương tính với COVID-19 lên 239, trong đó 85 người đã khỏi bệnh.

Ngoài ra, tính đến hết ngày (3/4), có 17.754 trường hợp nghi ngờ đã loại trừ, 3.736 trường hợp đang được cách li để theo dõi dấu hiệu và 73.925 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách li theo dõi sức khỏe (trong đó có 36.577 người cách li tại nhà, nơi cư trú).

Đến nay đã có 30 tỉnh thành trên cả nước có người mắc COVID-19, bao gồm: Vĩnh Phúc; TP HCM; Khánh Hòa; Thanh Hóa; Hà Nội; Ninh Bình; Quảng Ninh; Lào Cai; Đà Nẵng; Huế; Quảng Nam; Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Kon Tun, Lâm Đồng, Bắc Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Lai Châu, Hải Phòng, Nghệ An, Hưng Yên, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đăk Lăk.

Chiều 3/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị số 16 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách li xã hội theo đúng yêu cầu, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở  nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết.

Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lí do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách li, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân,…

Trên thế giới: Châu Âu cán mốc 40.000 người tử vong.

Tính đến sáng nay (4/4), Trung Quốc đại lục - ổ dịch đầu tiên và hiện đang là ổ dịch lớn thứ 5 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 81.620 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 3.322 ca tử vong. Đáng chú ý, các ca mới ghi nhận trong ngày tại quốc gia này chủ yếu vẫn là các ca nhập cảnh.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm ¾ đã quyết định bơm 400 tỉ nhân dân tệ (khoảng 56,38 tỉ USD) để ổn định thanh khoản tiền mặt và nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.

Bên ngoài Trung Quốc, Mỹ vẫn đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 276.965 ca nhiễm và 7.391 ca tử vong tính đến sáng nay, tăng kỉ lục lần lượt 32.088 và 1.320 ca so với một ngày trước đó.

New York là "tâm dịch" tại Mỹ, chiếm hơn 1/4 tổng số ca tử vong của Mỹ. Tại bang New York, tổng số người chết vì virus corona đã ở mức tương đương với tổng số người thiệt mạng trong cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 khi có tới gần 3.000 người chết, theo Reuters.

Theo hãng tin AFP, trong cuộc họp báo ngày 3/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Chính phủ Mỹ khuyến nghị tất cả 330 triệu người dân nước này nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để phòng ngừa sự lây lan của virus. Nhưng chỉ nên dùng khẩu trang vải và để dành khẩu trang chuyên dụng cho các nhân viên y tế.

Tại tâm dịch Châu Âu – nơi chiếm tới hơn nửa triệu ca nhiễm và 2/3 số ca tử vong trên toàn cầu , tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất căng thẳng khi châu lục này vừa đạt cột mốc đen tối với 40.000 người chết.

Trong đó, Italy - ổ dịch COVID-19 lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 thế giới hôm qua đã ghi nhận thêm 4.585 ca nhiễm và 766 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 119.827 và 14.681. Italy hiện vẫn là quốc gia có tỉ lệ tử vong cao nhất thế giới.

Tây Ban Nha – quốc gia có số ca tử vong cao thứ 2 thế giới và có tình hình dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ 2 tại châu Âu ghi nhận tổng cộng 119.199 ca nhiễm và 11.198 ca tử vong tính đến sáng nay, tăng lần lượt 7.134 và 850 ca so với một ngày trước đó.

Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới với 91.159 ca nhiễm, 1.295 ca tử vong, tăng lần lượt 6.365 và 168 ca so với một ngày trước đó. Đức cũng là quốc gia có tỉ lệ tử vong do dịch COVID-19 thấp nhất ở Châu Âu.

Chính phủ Đức đã yêu cầu người dân ở trong nhà và chỉ ra ngoài nếu thật cần thiết và không tụ tập quá 2 người trở lên. Bắt đầu từ ngày 2/4, người dân Đức sẽ phải nộp phạt lên tới 500 euro (540 USD) nếu đứng quá gần nhau, không đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu trong giao tiếp xã hội.

Pháp hôm qua chứng kiến số ca tử vong do COVID-19 tăng đột biến với 1.355 ca, đây cũng là số ca tử vong hằng ngày cao nhất thế giới vào hôm qua. Nước này cũng ghi nhận thêm 2.116 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm tại nước này lên lần lượt 5.387 và 59.105.

Giới chức y tế Pháp cho biết quốc gia này chưa chạm đến đỉnh dịch, tình hình còn quá phức tạp nên chưa thể tính đến việc dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại.

Đến sáng nay, Anh có thêm 4.450 ca nhiễm COVID-19 và 684 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 38.168 và 3.605 ca (vượt Trung Quốc). Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hô ¾ cảnh báo đỉnh dịch COVID-19 ở nước này có thể sẽ rơi vào ngày lễ Phục sinh 12/4 tới.

Một trong những bệnh viện dã chiến đầu tiên của Anh để điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 vừa mở cửa tại Trung tâm triển lãm London (ExCel London). Bệnh viện được đặt tên là NHS Nightingale, được hoàn thành trong vòng 9 ngày với sức chứa tối đa lên đến khoảng 4.000 giường bệnh hồi sức tích cực.

Iran vẫn là dịch lớn nhất Trung Đông và thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, với 53.183 ca nhiễm và 3.294 ca tử vong, tăng lần lượt 2.715 và 134 ca so với một ngày trước đó. Tổng thống Hassan Rouhani vừa đưa ra cảnh báo dịch bệnh tại Iran có thể kéo dài và người dân phải sẵn sàng cho thêm một năm nữa chống chọi với COVID-19.

Tại Đông Nam Á, tính đến sáng nay, Malaysia - ổ dịch lớn nhất khu vực với 3.333 ca nhiễm và 53 ca tử vong, tăng lần lượt 217 và 3 ca so trong vòng 24h qua. Khu vực có số người mắc COVID-19 nhiều nhất ở Malaysia là thủ đô Kuala Lumpur.

Indonesia vẫn là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực. Tính đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 1.986 ca nhiễm và 181 ca tử vong; tăng lần lượt 196 và 11 ca so với một ngày trước đó.

Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 103 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 4 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lên lần lượt là 1.978 và 19 ca. Ngày 3/4, nước này đã tạm ngừng vận hành 31 tuyến tàu đường dài và rút ngắn thời gian phục vụ của mọi chuyến tàu điện ở thủ đô Bangkok.

Philippines tính đến sáng nay đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỉ lục thêm 385, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 lên 3.018, trong đó 136 người đã tử vong. Quốc gia này đang có nguy cơ vượt Malaysia trở thành ổ dịch lớn nhất tại Đông Nam Á.

Hà Lê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.