|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kêu gọi người Việt dùng hàng Việt trong bối cảnh dịch COVID-19

07:10 | 04/04/2020
Chia sẻ
Nhiều hiệp hội ngành hàng, đại diện doanh nghiệp cho rằng cần thúc đẩy, kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt trong bối cảnh hàng hóa khó khăn về đầu ra do dịch COVID-19.

Chiều 3/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cuộc họp trực tuyến “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch Covid-19”.

Cuộc họp có sự tham dự của đại diện VCCI, Amcham, Eurocham, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, Hiệp hội các ngành hàng và một số doanh nghiệp.

Phát biểu, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, khẳng định thời điểm hiện tại, việc liên kết các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần vững chân, khai thác tốt thị trường nội địa.

“Sau đại dịch, tôi nghĩ các nước sẽ quan tâm hơn đến thị trường nội địa. Đồng thời, thúc đẩy công tác đào tạo cán bộ”, ông Lộc nhận định.

Kêu gọi người Việt dùng hàng Việt trong bối cảnh dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt trong bối cảnh dịch. Ảnh: Hoàng Hà.

Đồng quan điểm, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao, đề nghị thời điểm hiện tại, Chính phủ cần thúc đẩy, kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Bà cho rằng doanh nghiệp Việt đang hết sức khó khăn khi hàng tồn kho cao, nhà phân phối từ chối nhận hàng vì không bán được.

"Từ dịch bệnh như vậy, chúng ta càng phải ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bà nói.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam, nhìn nhận logistic là ngành hàng thiết yếu vì trong dịch, vẫn đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng và nguyên vật liệu đến với nhà sản xuất.

Vị này đề xuất có chính sách giảm thuế thay vì giãn nộp thuế. Đây là ý kiến được nhiều đại diện ngành hàng, doanh nghiệp khác nhắc tới.

Trong khi đó, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, khẳng định thời gian vừa qua, Chính phủ đã quan tâm, khẩn trương ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp phải tạm dừng, cần được hỗ trợ thêm.

Điều doanh nghiệp đang mong muốn lúc này là những chính sách đi vào cuộc sống nhanh nhất. Theo ông Dũng, cần phân loại các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ra thành chính sách ngắn hạn và chính sách phát triển ổn định.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết cơ quan này sẽ tập hợp lại tất cả ý kiến của các tổ chức, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp. Sau đó, báo cáo với Chính phủ trong thời gian tới.

Văn Hưng