|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch giày Gia Định: Mất hàng chục triệu USD vì nhà máy đóng cửa, mong mỏi ngày mở cửa trở lại

08:18 | 26/09/2021
Chia sẻ
Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 kèm theo giãn cách xã hội kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định gánh chịu những thiệt hại, tổn thất chưa từng từ đơn hàng, đối tác đến lực lượng công nhân.

Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía Nam đã khiến 80% các nhà máy sản xuất da giày tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang… phải ngừng sản xuất do không đủ điều kiện thực hiện quy định “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”. 

Thực tế, việc không thể sản xuất đối với một doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa là sự tổn thất nặng nề khó thể ước tính cụ thể. Do đó, người viết đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, để thấy được rõ hơn sự khó khăn, chật vật của người trong cuộc là như thế nào.

Nhà máy, đơn hàng tê liệt hoàn toàn 

- Kể từ giữa tháng 7, khi 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định đã đối mặt những khó khăn như thế nào?

Ông Nguyễn Chí Trung: Công ty chúng tôi có 4 nhà máy ở TP HCM, Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai với hơn 6.000 công nhân. Mỗi nhà máy sản xuất trung bình khoảng 150.000 - 200.000 đôi giày/tháng, tương đương 4 nhà máy sản xuất khoảng 600.000 - 800.000 đôi giày/tháng, với giá thành mỗi đôi giày trung bình 15 USD. 

Tuy nhiên, khi 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn các xã hội thì toàn bộ nhà máy phải đóng cửa, dừng sản xuất, đồng nghĩa doanh nghiệp thất thu 9 - 12 triệu USD/tháng

Chưa kể số lượng vật tư nguyên liệu trị giá cả trăm tỷ phải nằm trong kho vì nhà máy không sản xuất và đó là tiền vay ngân hàng vẫn phải trả lãi hàng tháng.

Nếu quy định giãn cách tiếp tục kéo dài công ty sẽ hết sức khó khăn bởi sức khỏe doanh nghiệp đã đến mức cạn kiệt về nguồn vốn khi không tạo ra doanh thu nhưng vẫn phải chi trả các khoản tiền cố định như thuê mặt bằng, khấu hao tài sản, lãi ngân hàng cho đến phí công đoàn, đặc biệt khó khăn nhất là mất đơn hàng do khách hàng đã rút toàn bộ vì không thể chờ đợi.

- Câu chuyện dịch chuyển đơn hàng đang là nỗi lo lắng của nhiều doanh nghiệp thuộc ngành hàng trọng điểm như da giày, dệt may... Với Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, tình hình mất đơn hàng của công ty đang diễn ra như thế nào?

Ông Nguyễn Chí Trung: Với công ty chúng tôi, đơn hàng tháng 8, 9, 10 đã bị khách hàng chuyển sang Bangladesh, Trung Quốc. Và họ cảnh báo nếu cuối tháng 9 doanh nghiệp không mở cửa, đơn hàng tháng 11, 12 cũng sẽ rút hết. Như vậy, kế hoạch sản xuất 6 tháng cuối năm của công ty coi như bị phá sản.

Điều này sẽ khiến cuộc sống người lao động vô cùng khó khăn và doanh nghiệp cũng không thể trả lương trợ cấp cho người lao động lâu được bởi khả năng chi trả của chúng tôi chỉ có thể chịu đựng một, hai tháng nhưng khi kéo dài đến 4 tháng, 5 tháng thì đó là câu chuyện rất khó cho doanh nghiệp.

- Trước tình cảnh đơn hàng dần rời khỏi Việt Nam, doanh nghiệp đang phải đối diện với những thách thức gì?

Ông Nguyễn Chí Trung: Khách hàng rút đơn hàng, tức là công ty đã mất khách hàng và làm cách nào để họ quay trở lại là điều không dễ dàng cũng như mất rất nhiều thời gian để tìm lại. 

Tuy nhiên, điều đáng nói, dù thuyết phục được khách hàng trở lại, doanh nghiệp cũng khó thể sản xuất do nguồn lao động đã về quê và tìm việc tại địa phương trong thời gian tránh dịch. Đây là hai bài toán vô cùng khó khăn.

Bên cạnh đó, khi trở lại hoạt động, doanh nghiệp phải đầu tư máy móc, máy móc, tân trang nhà xưởng, văn phòng thì cần có nguồn vốn nhưng thời gian qua nguồn vốn đã cạn kiệt, đơn hàng không thể thực hiện nên không có doanh thu.

Trong khi công ty vẫn phải đền bù khách hàng vì đơn hàng chậm trễ, vật tư không thể nhập kho và hàng tháng vẫn phải trả lãi vay ngân hàng, cộng với nhu cầu phục hồi sản xuất cần  vay thêm nhưng không chắc ngân hàng sẽ tiếp tục cho vay.

Có thể nói, lao động, khách hàng, tài chính chính là ba cái khó cho doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất hậu dịch bệnh.

Chủ tịch giày Gia Định: Mất hàng chục triệu USD vì nhà máy đóng cửa, mong mõi ngày mở cửa trở lại - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định. (Ảnh: Như Huỳnh)

Chuẩn bị sẵn sàng, thận trọng cho giai đoạn tái hoạt động

- Nói về kịch bản mở cửa trở lại, Công ty Tập đoàn Gia Định đặt kỳ vọng như thế nào cho thời điểm phục hồi, lấy lại những gì đã mất?

Ông Nguyễn Chí Trung: Với thực tế đang thất thu hàng chục triệu USD vì không thể sản xuất, chưa kể những khoảng phí duy trì nhà máy vẫn không thể ngừng chi, Công ty Tập đoàn Gia Định với hơn 6.000 công nhân vẫn hy vọng "sống sót" qua cơn đại dịch và đảm bảo đời sống cho người lao động của công ty mình.

Đó là lý do ban lãnh đạo Công ty Tập đoàn Gia Định đã lên sẵn kế hoạch phục hồi sản xuất cho chính mình với quan điểm cần phải tái mở cửa thiết lập trạng thái “bình thường mới” càng sớm càng tốt.

Kịch bản lạc quan được kỳ vọng là vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 nền kinh tế sẽ hoạt động bình thường trở lại, doanh nghiệp sẽ kịp giữ chân được đối tác, đơn hàng tháng 11, tháng 12 sẽ được thực hiện và hợp đồng cho đầu năm 2022 sẽ tiếp tục duy trì.

Trong đó, vắc xin chính là yếu tố then chốt, là chìa khóa để doanh nghiệp tái mở cửa an toàn với kịch bản này.

Bởi Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói chúng ta phải thích ứng để “sống chung với virus một cách an toàn”, do đó, Nhà nước cần khẩn trương phủ vắc xin, ưu tiên cho người lao động thay vì truy tìm F0. Nếu một người bệnh thì chỉ cần cách ly một phân xưởng, một bộ phận chứ không thể giãn cách cả nhà máy, vừa tốn kém vừa ảnh hưởng sự phát triển kinh tế.

- Trong kịch bản đề ra, công ty đã cụ thể hóa khả năng phục hồi của ba vấn đề khó khán gồm lao động, nhu cầu thị trường và tài chính như thế nào?

Ông Nguyễn Chí Trung: Về vấn đề thu hút lao động trở lại sau dịch, công ty có thể huy động khoảng 30-40% số lượng công nhân còn sinh sống tại các địa phương để quay trở lại nhà máy, rồi dần dần hồi phục từng bước để quy mô trở lại bình thường.

Nhưng để thực hiện được điều này nó còn phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước. Do đó, tôi cho rằng chỉ cần yêu cầu công nhân tiêm ít nhất một mũi vắc xin, xét nghiệm âm tính và đảm bảo 5K là có thể đi làm trở lại và từ đó sử dụng thẻ xanh, thẻ vàng COVID-19 làm công cụ kiểm soát lưu thông.

Cùng với đó, cho phép doanh nghiệp tự chủ động trong việc xét nghiệm COVID-19 theo quy định, tự chi trả phí xét nghiệp và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về an toàn phòng dịch.

Đối với bài toán nhu cầu thị trường thì không quá lo bởi sức mua của thị trường thế giới vẫn ổn định, thậm chí cuối năm là thời điểm thị trường các nước đang tích cực nhập hàng để phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm như Giáng sinh, Tết Dương lịch.

Do đó, nếu công ty được trở lại sản xuất sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó, giúp doanh nghiệp có dòng tiền để trang trải các chi phí, kêu gọi người lao động trở lại làm việc và khách hàng sẽ nhìn thấy sự phục hồi kinh tế sau dịch của Việt Nam từ đó sẽ có niềm tin và cho đơn hàng quay trở lại Việt Nam.

Trong khi đó, bàn về giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi sau thời gian chống dịch tốn kém, theo tôi các ngân hàng cần có những chính sách cho vay ưu đãi, khoanh lại nợ cũ, gia hạn, hoãn nợ và có thể cho vay thêm để doanh nghiệp đầu tư tái sản xuất. 

Ngoài ra, với người lao động, cần hoãn, miễn phí bảo hiểm khoảng 6 tháng, miễn phí công đoàn 6 - 12 tháng. Bên cạnh đó, cũng cần miễn, giảm thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm tối đa các phi như phí hải quan, thủ tực hành chính để giảm bớt áp lực cho cả doanh nghiệp và người lao động khi trở lại hoạt động.

Nói tóm lại, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là Chính phủ và các địa phương cần khẩn trương mở cửa, cho doanh nghiệp hoạt động trở lại theo kiến nghị của các Hiệp hội ngành nghề, không để chuỗi sản xuất đứt gãy, đảm bảo đời sống người lao động và phục hồi kinh tế vào những tháng cuối năm.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Như Huỳnh