|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ tịch Fecon: Nửa cuối năm nay, nguy cơ tăng giá vật liệu xây dựng có thể xảy ra như năm 2021

15:57 | 04/01/2022
Chia sẻ
Gói kích thích kinh tế của Chính phủ được tung ra bên cạnh động lực thúc đẩy ngành xây dựng thì cũng sẽ tạo áp lực không nhỏ, cụ thể là tăng chi phí đầu vào của ngành do ảnh hưởng của lạm phát.

Ngày hôm nay (4/1), Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chủ yếu trong hai năm 2022 - 2023 với quy mô khoảng gần 350.000 tỷ đồng.

Chương trình phục hồi kinh tế dự kiến sẽ bố trí vốn cho hàng loạt dự án hạ tầng quan trọng, trong đó đáng chú ý là loạt dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số tuyến cao tốc, tuyến nối các cửa khẩu, quốc lộ với tổng mức chi dự kiến là 103.164 tỷ đồng.

Trong buổi livestream với nhà đầu tư trên fanpage "F247 - Cộng đồng tài chính, chứng khoán số 1 Việt Nam", ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Fecon (Mã: FCN) nhận định nếu gói kích thích của Chính phủ được triển khai mà cụ thể là chính sách đẩy mạnh đầu tư công thì các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, khách sạn, sản xuất, ngân hàng, bán lẻ sẽ được hưởng lợi. Đặc biệt ông Khoa nhấn mạnh các ngành xây dựng công trình hạ tầng sẽ có tác động tích cực nhất.

Mặc dù chính sách chưa được ban hành, nhưng theo thông tin của ông Khoa cho biết một loạt các dự án hạ tầng đã được khởi công ngay những ngày đầu năm.

Chủ tịch Fecon: Nửa cuối năm nay, nguy cơ tăng giá vật liệu xây dựng có thể xảy ra như năm 2021 - Ảnh 1.

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Fecon. (Ảnh: Fecon).

Ba năm gần đây, các vấn đề về thủ tục hành chính thì đại dịch ảnh hưởng rất lớn đến triển khai các dự án hạ tầng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nếu năm 2022, gói kích thích được tung ra thì các doanh nghiệp xây dựng có thêm nhiều cơ hội để triển khai xây dựng.

Ông Khoa thẳng thắn chia sẻ năm vừa qua, doanh nghiệp xây dựng cạnh tranh rất gắt gao để có được việc làm, rất ít các gói thầu được triển khai. Khi đang triển khai thì lại gặp phải dịch COVID-19 cùng một số khó khăn liên quan tới công tác vận chuyển dẫn tới giá vật liệu xây dựng tăng nên doanh nghiệp không đủ chi phí để thực hiện.

2 nguyên nhân giúp giá cổ phiếu bất động sản, xây dựng tăng mạnh

Liên quan tới hiện tượng nhiều cổ phiếu ngành bất động sản, xây dựng tăng rất mạnh thời gian gần đây, Chủ tịch Fecon chỉ ra hai nguyên nhân. 

Thứ nhất, cổ phiếu ngành xây dựng đặc biệt là công ty xây lắp đã xuống đáy, có những cổ phiếu đã giảm một nửa so với năm 2020 dưới ảnh hưởng dịch COVID-19 và yếu tố thị trường khó khăn.

Thực tế nhiều doanh nghiệp xây dựng đã gặp rất nhiều khó khăn khi trúng các gói thầu xây dựng trước thời điểm giá vật liệu xây dựng tăng. Năm vừa qua, giá thép, giá cát, giá đá đề tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2020. 

Thứ hai, thông tin kích cầu đầu tư công ra sớm đã đẩy giá cổ phiếu xây dựng, bất động sản lên. 

Bản thân ông Khoa chia sẻ rất ngạc nhiên khi chính cổ phiếu FCN và các doanh nghiệp trong ngành tăng rất nhiều so với mong đợi.

Trong năm đầy khó khăn, ông Khoa chia sẻ lợi nhuận của Fecon năm 2021 đặt ra gần 200 tỷ nhưng thực tế cả năm chỉ đạt được khoảng 135 tỷ đồng.

Chủ tịch Fecon: Nửa cuối năm nay, nguy cơ tăng giá vật liệu xây dựng có thể xảy ra như năm 2021 - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: Xây dựng SCG.

Giá vật liệu xây dựng sẽ biến động ra sao trong 2022?

Bên cạnh những tác động tích cực của gói kích thích kinh tế thì gói này sẽ tạo ra áp lực lạm phát cho nền kinh tế. Trong đó, áp lực tăng giá lên các nguyên vật liệu đầu vào là một điểm đáng lo với các doanh nghiệp xây dựng.

Năm 2021, ngành xây dựng chịu tác động mạnh của việc giá nguyên vật liệu tăng mạnh khiến lợi nhuận nhiều doanh nghiệp bị bào mòn.

Vị Chủ tịch Fecon nhận định chu kỳ của một doanh nghiệp xây dựng rất dài, quý IV/2021 hay các quý còn lại của năm 2022 có khởi sắc nhờ các gói kích thích đầu tư công, dòng vốn FDI, đầu tư tư nhân quay trở lại. Tuy nhiên quy trình của mỗi dự án trong ngành xây dựng nói chung thường khá là dài từ đề xuất dự án tới phê duyệt dự án, đấu thầu, chọn thầu, khởi công. Đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng mất thời gian.

Do đó, quý I và quý II năm nay, nhu cầu xây dựng và vật liệu xây dựng sẽ tăng dần nên giá vật liệu xây dựng có thể không tăng quá nhiều. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2022, nguy cơ tăng giá vật liệu xây dựng có thể xảy ra như năm 2021.

Bản thân ông Khoa tin rằng Chính phủ, các bộ ngành sẽ có thể điều hành để tránh được nguy cơ lạm phát đã xảy ra những năm 2010, 2011.

Về kiểm soát lạm phát, Chính phủ cũng đánh giá việc triển khai chương trình, cộng hưởng với tác động trễ từ các biện pháp nới lỏng năm 2020-2021, lạm phát có xu hướng tăng trong năm 2022-2023.

Trong quá trình thực hiện, có thể gia tăng áp lực lên lạm phát, do vậy Chính phủ cho biết phải theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình giá cả trong nước và thế giới để kịp thời có chính sách phù hợp kiểm soát lạm phát.

Ông Khoa cũng chia sẻ thêm bản thân các doanh nghiệp xây dựng như Fecon khi đàm phán hợp đồng với các chủ đầu tư đều có điều khoản điều chỉnh giá nếu giá nguyên vật liệu chính dao động quá 10%. Khi ký hợp đồng, doanh nghiệp đều yêu cầu chủ đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư tư nhân nước ngoài ứng vốn nhiều hơn so với thông thường để có thể mua trước vật liệu xây dựng cho cả năm, đảm bảo chi phí không vượt kế hoạch.

Hoàng Kiều