|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Giá xi măng, sắt thép... tăng vượt dự báo của doanh nghiệp

14:40 | 16/11/2021
Chia sẻ
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải cho hay doanh nghiệp này luôn có tính toán mức gia tăng của giá nguyên vật liệu xây dựng trong mỗi dự án, song với tình hình như hiện nay thì mức tăng của xi măng, sắt thép... đã vượt tính toán, dự báo của Hòa Bình.

'Cơn sốt' giá vật liệu xây dựng

Thời gian gần đây, thị trường vật liệu xây dựng đang tạo ra "cơn sốt" về giá sắt thép, xi măng, cát... Cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp xi măng đã thông báo điều chỉnh tăng giá bán lẻ từ 50.000 - 100.000 đồng/tấn.

Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Giá xi măng, sắt thép... tăng vượt dự báo của doanh nghiệp - Ảnh 1.

Diễn biến nguồn cung xi măn

Theo công ty Cổ phần xi măng VICEM Hoàng Mai thời gian qua, giá nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất xi măng như than, dầu... tăng đột biến, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty.

VICEM Hoàng Mai khẳng định đã cố gắng tiết giảm chi phí nhằm giảm giá thành sản xuất, tuy nhiên không thể bù đắp được tốc độ gia tăng của chi phí đầu vào.

Do vậy, VICEM Hoàng Mai quyết định điều chỉnh tăng giá bán 50.000 đồng/tấn (bao gồm thuế VAT) đối với tất cả các chủng loại xi măng của doanh nghiệp này.

Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Giá xi măng, sắt thép... tăng vượt dự báo của doanh nghiệp - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp xi măng thực hiện điều chỉnh tăng giá sản phẩm từ 50.000 - 100.000 đồng/tấn.

Bên cạnh đó, khảo sát thị trường cũng cho thấy, dù giá sắt thép không biến động mạnh như thời điểm tháng 4/2021, song vẫn đang duy trì ở mức cao. 

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), cho hay thời gian này đã nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp xây dựng về tình trạng giá nguyên vật liệu xây dựng "leo thang". 

"Không chỉ xi măng mà giá một số sản phẩm sắt thép sau thời điểm giảm nhẹ so với mức đỉnh ở tháng 4/2021 đã tăng trở lại trong tháng 10. Điều này gây thiệt hại cho chủ đầu tư khi doanh nghiệp chủ yếu làm theo đơn giá cố định", ông Hiệp nói. 

Theo báo cáo ngành vật liệu xây dựng từ VIRAC Research, với nhóm ngành thép, giá thép xây dựng tăng mạnh trong năm 2021, bắt đầu chững lại trong quý III, tuy nhiên vẫn đang ở mức cao do ảnh hưởng từ việc tăng giá nguyên vật liệu đầu vào gồm: quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite... đều đang ở mức cao.

Đồng thời, giá thép trong nước cũng bị ảnh hưởng theo xu hướng tăng của thế giới. Nhu cầu nhập khẩu sắt, thép của Trung Quốc tăng đã tác động tăng giá sắt, thép toàn cầu. 

Ngoài ra, tại châu Âu và Mỹ, việc thiếu hụt nguồn cung sắt, thép do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thời gian giao hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất kéo dài cũng là nguyên nhân chính khiến giá sắt, thép tăng mạnh.

Giá thép ở mức cao được hỗ trợ bởi mặt bằng giá nguyên liệu dù nguồn cung được đánh giá ổn định. Cùng với kỳ vọng nhu cầu tăng, VIRAC Research dự báo mặt bằng giá thép vẫn sẽ được duy trì ở mức khá cao cho tới cuối năm.

Với mặt hàng xi măng, VIRAC Research cho rằng, đang có sự chênh lệch theo khu vực, giá xi măng tại miền Nam ở mức tương đối cao. Đây là khu vực thiếu cung khi chỉ có 8 nhà máy xi măng với công suất đạt 11,9 triệu tấn trong khi nhu cầu xi măng lên đến hơn 33,6 triệu tấn.

Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ

Chia sẻ với người viết, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết xi măng, sắt thép là hai vật liệu chính cho xây dựng. Khi hai mặt hàng này tăng giá thì chắc chắn ảnh hưởng tới chi phí, đội vốn của dự án. Tuy nhiên, mức tác động ít hay nhiều còn tùy thuộc vào sự chủ động của doanh nghiệp trong việc ứng phó.

Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Giá xi măng, sắt thép... tăng vượt dự báo của doanh nghiệp - Ảnh 2.

Doanh nghiệp xây dựng oằn mình tìm giải pháp đối phó với bài toán tăng giá nguyên vật liệu (Ảnh: Báo Người Lao Động)

Theo Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, từ đầu năm, doanh nghiệp đã có tính toán mức gia tăng của giá nguyên vật liệu trong mỗi dự án xây dựng, song với tình hình hiện nay thì mức đội vốn do trượt giá sắt thép, xi măng... đã vượt tính toán, dự báo của doanh nghiệp.

"Với thực tế trên, mỗi dự án có khả năng đội giá thành xây dựng từ 3 - 5%. Hòa Bình đang quản lý hợp đồng xây dựng hơn 200 dự án, với quy mô vốn lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng", ông Hải cho biết.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, một số dự án có điều kiện hợp đồng bù giá thì sẽ giảm bớt thiệt hại do trượt giá, nếu không có thì doanh nghiệp xây dựng chấp nhận thiệt hại.

Để giảm tối thiểu mức tác động, lãnh đạo doanh nghiệp trên tính tới việc đa dạng nguồn cung cấp nguyên vật liệu, ký kết hợp đồng mua bán dài hạn, tùy địa điểm công trình thi công để xác định đối tác cung cấp nhằm giảm bớt chi phí vận chuyển.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM dẫn ví dụ đối với một dự án nhà ở chung cư, chi phí xây dựng chiếm tới 50-60% giá thành dự án, dẫn tới nếu sắt thép, xi măng, cát... tăng giá thì sẽ ảnh hưởng lớn tới hiệu quả kinh doanh.

Theo ông Châu, từ năm 2008 đến nay đã xảy ra nhiều đợt "sốt giá" nguyên vật liệu xây dựng. Giai đoạn 2008-2009, thị trường "sốt giá" sắt thép, kèm theo xi măng; những năm sau là "sốt giá" cát xây dựng, cát san lấp. Thời điểm này, ngành xây dựng đang đứng trước thách thức tăng giá sắt thép, xi măng...

Để vượt qua những "cơn sốt" trên thì văn hóa ứng xử của doanh nghiệp rất quan trọng, cần dựa trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Ông Châu cho rằng, giá nguyên vật liệu tăng thì sẽ tác động giá thành xây dựng, đương nhiên ảnh hưởng tới giá bán. Song giá bán của nhà ở thì không phải chủ đầu tư muốn đặt thế nào thì đặt mà do thị trường quyết định.

"Trong trường hợp thị trường khủng hoảng về giá nguyên vật liệu đầu vào, thì văn hóa ứng xử của nhà đầu tư rất quan trọng", ông Châu nhìn nhận.

Theo ông, doanh nghiệp nên chấp nhận giảm lợi nhuận xuống mức thấp, thậm chí có trường hợp phải làm hòa vốn, lỗ một chút để giữ uy tín. Tăng giá là điều mà ai cũng có thể làm được nhưng điều này chỉ mang lại lợi ích trước mắt, trong khi bài toán thị trường thì phải đi đường dài, như vậy mới tạo được uy tín với khách hàng.

Với các doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM,  nhìn nhận đây cũng là thời điểm chủ đầu tư và nhà thầu cần chia sẻ rủi ro, thiệt hại với nhau, đồng thời nâng cao năng suất, tiết kiệm nguyên vật liệu xây dựng.

Đồng thời, chính các doanh nghiệp sản xuất sắt thép, xi măng... cũng phải chia sẻ lợi nhuận với các doanh nghiệp xây dựng. "Nếu doanh nghiệp xây dựng thua lỗ, dừng hoạt động thì xi măng, sắt thép bán cho ai", ông Châu nêu vấn đề.

Về phía Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM mong muốn quản lý chặt hơn diễn biến giá cả nguyên vật liệu xây dựng, kịp thời ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thao túng giá khi mà dự báo thời gian tới giá nguyên vật liệu vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Dương Thùy

Trung Quốc đánh mất lợi thế chi phí lao động giá rẻ nhưng Việt Nam không phải quốc gia duy nhất hưởng lợi
Mức lương trung bình trong ngành sản xuất của Việt Nam chỉ xấp xỉ 1/4 Trung Quốc. Tuy đây là lợi thế đáng chú ý của Việt Nam, một số quốc gia châu Á khác cũng có ưu điểm tương tự.